Saturday, August 24, 2013

chán quá đi. haizzz

chán quá đi. haizzz

Wednesday, June 19, 2013

Lộn xộn kinh doanh lữ hành quốc tế: Cơ quan quản lý bất lực?

 (HNM) - Vụ việc 700 du khách Việt Nam bị Công ty TNHH MTV Dịch vụ du lịch cuộc sống (gọi tắt là Travel Life - trụ sở chính tại Tân Phú, TP Hồ Chí Minh) "bỏ rơi" tại Thái Lan đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về công tác quản lý các đơn vị kinh doanh lữ hành quốc tế. Mạnh tay hơn nữa trong việc xử lý doanh nghiệp hoạt động "chui", trả lại môi trường du lịch an toàn và lành mạnh là điều dư luận đang đòi hỏi ở cơ quan quản lý. 

 

 

Chợ nổi Thái Lan, một trong những điểm du lịch thu hút đông đảo du khách Việt Nam. Ảnh: Viết Thành


 Doanh nghiệp "chui", bán tour công khai 

Sự kiện bắt đầu từ hội nghị kết hợp tham quan, du lịch do Công ty Herbalife Việt Nam tổ chức cho khoảng 3.000 người sang Thái Lan từ ngày 12 đến 18-6. Do số lượng khách đông nên công ty này đã sử dụng dịch vụ của nhiều hãng, trong đó có Travel Life (phục vụ khoảng 700 khách, gồm 500 người ở khu vực phía Bắc và 200 người ở phía Nam). Đối tác của Travel Life tại Thái Lan là Công ty Thái 2020 chỉ nhận được vỏn vẹn 30% tiền đặt cọc, 70% còn lại Travel Life cam kết sẽ thanh toán ngay khi đoàn đến Thái Lan. Tuy nhiên, do không nhận được số tiền này nên sau 2 ngày kết thúc hội nghị, đối tác Thái Lan đã không thể phục vụ đoàn theo thỏa thuận.

Ngày 19-6, trao đổi với Báo Hànôịmới, ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, cho rằng, theo Luật Du lịch, công ty lữ hành muốn đưa du khách ra nước ngoài phải bảo đảm 3 điều kiện, gồm: Giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế, mua bảo hiểm du lịch cho du khách và sử dụng hướng dẫn viên có thẻ hành nghề. Tuy nhiên, Travel Life đã không đáp ứng đầy đủ các điều kiện trên.

Đại diện Tổng cục Du lịch Thái Lan (TAT) tại TP Hồ Chí Minh Huỳnh Đăng Khoa cũng cho biết thêm, chỉ có 700 du khách mua tour của Travel Life là gặp "sự cố". Những đoàn khách còn lại do các đơn vị du lịch khác phục vụ không xảy ra vấn đề gì. Công ty Travel Life đăng ký trụ sở ở một nơi nhưng lại hoạt động ở nơi khác. Điều đáng nói là dù không có giấy phép kinh doanh nhưng công ty này vẫn ngang nhiên đưa khách ra nước ngoài. Giá tour mà mỗi du khách phải trả cho chuyến đi này là 6,6 triệu đồng, thấp hơn giá thị trường 1,2 triệu đồng. Chính vì doanh nghiệp không kiểm soát được chi phí tour cũng như chi phí phát sinh khác nên dẫn đến sự việc đáng tiếc trên.

Lễ hội té nước tại Thái Lan. Ảnh: Nhật Nam


 Chỉ 6% đơn vị tuân thủ pháp luật  

Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Du lịch, hiện cả nước có khoảng 1.000 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh lữ hành quốc tế nhưng trên thực tế chỉ có khoảng 60 đơn vị hoạt động tốt và tuân thủ quy định. Sự việc trên một lần nữa cho thấy, loại hình kinh doanh lữ hành quốc tế khá lộn xộn trong khi công tác quản lý tỏ ra lỏng lẻo, dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh với chất lượng dịch vụ ngày càng đáng báo động.

Tình trạng các doanh nghiệp lữ hành hoạt động không phép đang diễn ra rất phổ biến tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình thẳng thắn nhận định. Thậm chí, nhiều công ty còn mượn, thuê giấy phép để đưa du khách ra nước ngoài. Có trường hợp cung cấp giấy phép cho khoảng 10 công ty khác để những đơn vị này đưa người Việt Nam ra nước ngoài. Việc quản lý kinh doanh lữ hành lỏng lẻo không những làm xấu hình ảnh du lịch Việt Nam mà còn ảnh hưởng đến vị thế của người Việt Nam ở nước ngoài. "Trong vụ việc này, rõ ràng là chính công ty du lịch Việt lại "chặt chém" khách Việt; chúng ta đã tự làm hại mình, làm xấu đi hoạt động du lịch Việt Nam ở nước ngoài" - Ông Vũ Thế Bình bức xúc.

Rõ ràng, cơ quan quản lý về du lịch không đủ sức quản lý ngành. Tổng cục Du lịch hiện không có riêng thanh tra chuyên ngành như trước đây mà lực lượng này đã sáp nhập thành thanh tra văn hóa. Không còn bộ phận chuyên trách nên ngành du lịch không đủ năng lực và nguồn lực để kiểm soát hoạt động kinh doanh lữ hành.

Ngày 19-6, Văn phòng TAT tại Việt Nam đã có thông báo về việc hơn 700 du khách Việt Nam bị "bỏ rơi" tại Thái Lan. TAT cũng đã liên lạc với Sở VH,TT&DL TP Hồ Chí Minh và Tổng cục Du lịch để có những hỗ trợ kịp thời. Hiện những du khách này đã trở về Việt Nam an toàn. Vụ việc cụ thể đã được giải quyết nhưng cơ quan quản lý nhà nước cần tổ chức thanh - kiểm tra khẩn cấp việc kinh doanh của các doanh nghiệp lữ hành trên toàn quốc. Bên cạnh đó, cần sớm thành lập lực lượng cảnh sát du lịch để bảo đảm an toàn cho du khách, đồng thời kiểm tra giấy phép kinh doanh của các doanh nghiệp đưa khách ra nước ngoài ngay tại cửa khẩu là những giải pháp để có thể quản lý tận gốc hoạt động kinh doanh lữ hành quốc tế.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình khuyến cáo, người Việt Nam ra nước ngoài thường quan tâm đến giá cả mà quên mất việc tìm hiểu đơn vị đưa mình ra nước ngoài. Do đó, điều quan trọng nhất là phải chọn những công ty có uy tín, tên tuổi và cảnh giác khi sử dụng những tour giá rẻ. Du khách nên đến tận trụ sở của doanh nghiệp để đặt tour và yêu cầu cho xem giấy phép kinh doanh hoặc gọi điện đến Sở VH,TT&DL địa phương kiểm tra xem công ty trên có chức năng phục vụ lữ hành quốc tế hay không. Khi mua tour, phải kiểm tra thật kỹ chi tiết hành trình và so sánh chất lượng dịch vụ với giá dịch vụ.


Bản Hụm làm du lịch

 (Dân Việt) - Khai thác những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình để phát triển du lịch là cách mà người dân bản Hụm, xã Chiềng Xôm, TP.Sơn La (Sơn La) đang thực hiện. 

Tích cực học hỏi

Bản Hụm có vị trí khá thuận lợi là nằm ngay sát TP.Sơn La, có 125 hộ, chủ yếu là đồng bào Thái sinh sống từ lâu đời. Từ năm 2012, được tỉnh Sơn La chọn làm điểm xây dựng bản du lịch cộng đồng, người dân bản Hụm đang tích cực học hỏi để có cách làm du lịch chuyên nghiệp, giới thiệu được nét đẹp truyền thống của dân tộc mình và tăng thu nhập cho bà con.

Vốn là nông dân, nay làm du lịch, đồng bào không khỏi bỡ ngỡ. Nhưng lợi thế về văn nghệ bản lại được dịp phát huy cao độ. Ông trưởng bản Quàng Văn Phóng tươi cười nói: “Nhìn bà con cấy lúa thế thôi nhưng khi khách đến có thể hóa thành hướng dẫn viên du lịch đấy. Các em, các chị ban ngày chân lấm tay bùn nhưng ban đêm trở thành những nàng tiên lung linh trong điệu múa xòe phục vụ du khách. Thiếu nữ Thái mà làm duyên thì đẹp đến ngẩn ngơ…”.

Đội văn nghệ bản Hụm chuẩn bị cho một tiết mục múa dân tộc Thái.

Từ khi làm du lịch, bà con thay đổi rất nhiều về nhận thức. Đường làng ngõ xóm, cảnh quan môi trường luôn được giữ gìn sạch đẹp. Xác định đây là cách làm mới để phát triển kinh tế, góp phần nâng cao mức sống vật chất, tinh thần cho chính người dân trong bản, nên bà con rất tích cực tham gia sinh hoạt bản.

Chị Lò Thị Thúy, người dân trong bản cho biết: “Bản đã thành lập một Ban du lịch cộng đồng gồm 9 người, có trách nhiệm quản lý chung hoạt động du lịch của bản. Mỗi tháng một lần, các hộ làm du lịch lại tập trung để tập huấn kỹ năng giới thiệu, quảng bá văn hóa, ẩm thực của dân tộc…, chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình làm du lịch.

Người dân trong bản tình nguyện đóng góp ngày công phục dựng lại ngôi nhà sàn Thái cổ, đây sẽ là nơi sinh hoạt văn hóa chung và lưu giữ các đồ vật truyền thống của người Thái như: Trang phục, khung cửi, nhạc cụ, vật dụng lao động sản xuất…

Tiềm năng từ bản sắc văn hóa

Phát triển du lịch cộng đồng ở bản Hụm là một cách làm hay để giữ gìn văn hóa dân tộc, bởi không có bảo tàng nào lưu giữ tốt hơn là được bảo tồn trong chính người dân.

"Bản sắc văn hóa dân tộc Thái là tiềm năng du lịch to lớn đang cần được khai thác, quảng bá - ông Quàng Văn Phóng - Trưởng bản cho biết, bước đầu bản đã có 5 nhà sàn làm dịch vụ khách nghỉ qua đêm. Tiến tới 100% số hộ trong bản sẽ làm du lịch cộng đồng.

Du khách sẽ được tham gia trực tiếp vào các hoạt động sản xuất thường ngày của bà con như: Đi nương, lội suối, bắt cá, dệt vải, nấu những món ăn cổ truyền… Ngoài ra còn tổ chức các lễ hội văn hóa văn nghệ với những bài hát, điệu múa đậm nét văn hóa dân tộc Thái”. Hiện tại bản có 6 đội văn nghệ thường xuyên luyện tập các điệu múa điệu xòe truyền thống để phục vụ du khách.

Chị Quàng Thị Tâm - một người dân của bản chia sẻ: “Làm du lịch khó hơn làm nông nhiều, thời gian đầu cũng bỡ ngỡ và lo sợ lắm nhưng sau khi được tập huấn cách giao tiếp tôi đã tự tin hơn rất nhiều. Gia đình tôi đã sửa sang lại ngôi nhà sàn hết 200 triệu đồng để tạo sự thoải mái khi du khách đến”.

Từ đầu năm 2013 đến nay, bản Hụm đã đón rất nhiều đoàn khách quốc tế từ Australia, Hàn Quốc, Nhật Bản…, rồi du khách trong nước, miền Nam, miền Trung… Số tiền thu được từ làm du lịch chưa nhiều nhưng đã mở ra cho người dân bản Hụm một hướng phát triển đầy tiềm năng.

Ngọc Mai


Vẻ đẹp hoang sơ đầy huyền bí của Mẫu Sơn

 Dân Việt - Với độ cao hơn 1.000 m so với mực nước biển, tách biệt hẳn với những khu dân cư, vẻ đẹp của Mẫu Sơn đầy hoang sơ, cổ kính chứa đựng nhiều huyền bí đối với mỗi du khách khi đặt chân tới đây. 

Theo ông Nguyễn Hải Đăng - Trưởng Ban quản lý Khu du lịch Mẫu Sơn, trước đây Người Pháp có công khai phá và xây dựng lên khu du lịch Mẫu Sơn với những ngôi biệt thự, vườn hoa trên đỉnh núi cao hơn 1000m. Do thời gian đã làm hư hỏng nhiều công trình, kiến trúc cổ, chỉ còn sót lại một số căn nhà, nền đất, tường cũ đầy hoang sơ và huyền bí.

Nền đất ngôi biệt thự cổ của Người Pháp xây dựng vẫn còn nguyên tường gạch

Hiện ở khu du lịch có 12 cơ sở kinh doanh dịch vụ với gần 20 tòa nhà, trong đó có khoảng 5 tòa nhà được xây dựng lại trên nền biệt thực cũ của Người Pháp. Dù mới đầu tư, xây dựng lại nhưng do thời tiết quanh năm mát mẻ, độ ẩm cao nên hầu hết những căn biệt thự ở đây dều phủ một mầu xám, bị rêu phong càng tạo nên vẻ cổ kính, và huyền bí. Do khoảng cách không xa trung tâm Hà Nội nên vào dịp cuối tuần, nhiều du khách vẫn tìm đến đình Mẫu Sơn để được tận hưởng không khí trong lành, mát mẻ, ngắm núi đồi, đất trời từ trên cao; ngắm hoa cẩm tú cầu đan xen xung quanh những ngôi biệt thự cổ đầy huyền bí…

Ban Quản lý khu du lịch Mẫu Sơn cho biết, năm 2008 tuyết rơi trên đỉnh Mẫu Sơn đã làm cho khu du lịch này tắc đương và từ đó tới nay cũng ghi nhận một lần tuyết rơi vào năm 2011. Thống kê 6 tháng đầu năm 2013, Mẫu Sơn đã đón 32.500 lượt khách du lịch, trong đó có cả du khách nước ngoài.

Dưới đây là một số hình ảnh về khu du lịch hoang sơ đầy huyền bí này:

Một ngôi biệt thự đã được cải tạo lại nhưng bị bỏ hoang

Lối đi vào những ngôi biệt thự đầy hoang sơ, huyền bí

Vườn hoa ở các ngôi biệt thự vẫn giữ nguyên kiến trúc cổ

Một khách sạn mới xây đã bị rêu phong do thời tiết ở Mẫu Sơn mát mẻ, độ ẩm cao

Tường ở Mẫu Sơn không chỉ rêu phong mà còn nhiều loài cây sống được trên tường

Nhiều du khách thích vẻ đẹp của các bức tường

Không gian mát mẻ trên đỉnh núi là những điểm đi dạo lý tưởng cho du khách

Đồng bào dân tộc thêu thổ cẩm để bán cho du khách ngay tại khu du lịch

Một ngôi biệt thự nhìn từ trên cao

Hoa cẩm tú cầu tạo nên vẻ đẹp đặc trưng ở Mẫu Sơn

Em bé dân tộc mang những con chim tới bán cho du khách

Thanh Xuân


Nhiều điểm mới tại “Đà Nẵng - Điểm hẹn mùa hè 2013”

 (HNM) - Chương trình "Đà Nẵng - Điểm hẹn mùa hè 2013" diễn ra từ ngày 28-6 đến 3-7 tại Công viên Biển Đông, bãi biển Phạm Văn Đồng và một số tuyến đường chính thuộc quận Sơn Trà. 

  


Chương trình phong phú, có nhiều nét mới như trình diễn bóng đá nghệ thuật, diễu hành mô tô, thi dù lượn; các trò chơi thể thao như dù kéo, thuyền buồm; thi ăn nhanh, uống nhanh, lắc thúng nan; thi 3 môn phối hợp bơi - chạy bộ - đua xe đạp… Trong dịp này, các đơn vị lữ hành mở tour "Câu cá cùng ngư dân", "Lặn biển ngắm san hô", "Khám phá bán đảo Sơn Trà", "Du ngoạn sông Hàn về đêm"... Chương trình "Đà Nẵng - Điểm hẹn mùa hè 2013" sẽ chính thức khai mạc vào 19h ngày 29-6.


1001 kiểu chống nóng

 Từ du lịch... 

  

Những gia đình có điều kiện, ngay từ khi con em được nghỉ hè, đã tổ chức cả nhà đi nghỉ dài ngày ở các nước. Chị M.H, ở một cơ quan báo chí truyền thông, ngay sau khi con trai vừa thi vào THPT xong, đã xin nghỉ phép 10 ngày để đi các nước Đông Âu, thăm mẹ và em gái ở Pháp. Chị cho cả nhà đi.

Dân Hà Nội xuống hồ Tây chống nóng Ảnh: Thanh Tùng

Nhưng số người đưa cả gia đình đi nghỉ mát và du lịch có điều kiện như chị - không nhiều.

Thông thường, việc đi du lịch từng nhóm gia đình, có sở thích và điều kiện kinh tế như nhau tổ chức đi cùng một nơi, và mỗi gia đình đặt vé máy bay giá rẻ từ trước. Họ không du lịch theo tour, mà tự tìm hiểu nơi mình cần đến, rồi đối chiếu chương trình với những địa điểm du lịch, xác định thời gian, đặt phòng và thuê xe ô tô, ăn nghỉ tại nơi mình đến. Như vậy, rẻ hơn rất nhiều.

Nhóm gia đình chị V - ở một Công ty thuộc Bộ GTVT, đã tự tổ chức chuyến đi thăm miền tây, sang Campuchia, thăm thú 3 tỉnh bên nước bạn, đi lại, ăn nghỉ thoải mái trong 1 tuần mà chỉ hết khoảng 10 triệu/người. Trong đó đã có vé máy bay Hà Nội - TP Hồ Chí Minh và ngược lại. Bởi các chị đã đặt vé máy bay giá rẻ từ 6 tháng trước. Kep, Kampot, Sihanuc vil... là những địa danh đẹp và hấp dẫn nhất của Campuchia, cũng đã được các chị lên chương trình và “kịch bản” thăm các danh thắng độc đáo ở các tỉnh này chuẩn như sắp đặt - không chệch một chút nào.

Lẽ dĩ nhiên, những chuyến đi như vậy, chương trình phải thật chặt chẽ, bởi sơ sểnh một chút sẽ gặp rủi ro. Chỉ cần muộn 2 - 4 tiếng là mọi việc tiếp theo kế hoạch sẽ lở dở hết. Tốc độ, thời gian phải thật sự quy chuẩn. Đi du lịch như vậy, cần phải có kinh nghiệm, nếu không, sức khỏe và tiền nong sẽ bị ảnh hưởng. Vì thế chuyến đi sẽ trở nên nặng nề vì tâm lý, mọi việc sẽ không vui.

 Đến liệu pháp “tránh nóng” 

Những ngày nắng nóng, việc rủ nhau ra bể bơi hay dạo mát trên các đường phố công viên là một trong những “liệu pháp” trị nắng nóng của nhiều người. Đặc biệt là đối với trẻ em. Những bể bơi dày đặc trẻ em, người lớn trên các địa bàn quận huyện nội và ngoại thành là một trong những địa chỉ hấp dẫn cho nhiều trẻ em và người lớn, khi gia đình chưa có cơ hội cho trẻ đi nghỉ mát ở những địa điểm hấp dẫn như Tam Đảo, biển Sầm Sơn, Cửa Lò...

Chỉ với 750.000 đến 1.200.000 đồng, các bậc cha mẹ có thể cho con mình học bơi với các thầy trong cả dịp hè nắng nóng. Một công đôi ba việc. Con cái vừa biết bơi, vừa được tắm mát. Cha, mẹ ngồi trên bờ xem các con học bơi, sau đó đón các con về khi kết thúc giờ bơi. Nếu đói, mệt, thì đã có thức ăn nhanh phục vụ tại chỗ. Điều đó lý giải tại sao ở các bể bơi trong nội thành, đầy ắp trẻ em tập bơi. Với giá 50.000 đồng/ 2h, bể bơi Thanh Xuân Bắc đông nghịt người lớn và trẻ em tập bơi. Chị H, nhân viên của bể bơi Thanh Xuân Bắc bảo tôi, nên đi bơi buổi sáng, ca từ 5h30’ đến 8h. Vì buổi sáng, vắng vẻ hơn. Hầu như không có trẻ em, số người bơi vắng hơn, rất dễ cho việc luyện tập. Chiều từ 17h45’ đến 19h30’, đông trẻ em nên ca sáng là sự lựa chọn của nhiều người cao tuổi.

Bà P, công dân nghỉ hưu của khi nhà G, Thanh Xuân Nam thường chọn cách tránh nắng độc đáo: Bà đưa 2 cháu ngoại tới các siêu thị, đặc biệt là siêu thị Com.pac nằm trên đường Nguyễn Trãi. Đây là siêu thị lớn, có cầu thang máy, điều hòa mát rượi. “Ở nhà nóng nắng lắm. Bật điều hòa thì tốn tiền, xem ti-vi mãi cũng chán. Cuồng cẳng cả cháu lẫn bà... Chi bằng vừa cho các cháu dạo chơi, vừa chống nóng. Khi nào chúng mỏi thì đưa về...”

Hèn gì mà hễ trời nắng nóng, nhiều siêu thị đầy ắp trẻ em, người già. Một nhân viên ở siêu thị Com.pac mỉm cười: “Họ đi tránh nóng đấy ạ. Nếu có mua hàng, họ chỉ mua chiếc bánh, lô sữa chua cho trẻ... Nhiều người không mua gì... Nhưng hễ ai đến siêu thị cũng là quý rồi... Không mua nhiều thì mua ít. Không mua lần này thì mua lần khác... Không vấn đề gì đâu bác ạ”.

Tôi được biết, nhiều gia đình đều chọn giải pháp này cho trẻ em và người già trong những ngày nắng nóng. Xem hàng hóa vừa vui, vừa mát... Có ai đuổi mình khi mình chỉ xem hàng thôi đâu? Một ông lão hóm hỉnh trả lời khi tôi hỏi về việc ông thường xuyên có mặt tại các siêu thị khi trời nắng nóng.

Liệu pháp du lịch - tránh nóng mới xuất hiện ở Hà Nội là lên xe buýt rong ruổi, vừa ngắm nhìn phố phường, vừa ngả lưng hưởng thụ cái mát mẻ dễ chịu trong xe buýt. Ông T, một công chức trong Tổng Công ty chè Việt Nam, nghỉ hưu mấy năm nay, có mặt thường xuyên trên tất cả các tuyến. Ông có thẻ thương binh, nên không mất vé. Lên xe, được nhường chỗ. Ngồi vị trí tốt nhất, tha hồ ngắm cảnh phố phường qua cửa kính, sẵn có tâm hồn thi sĩ, thỉnh thoảng ông lại cho ra đời mấy bài thơ sau mấy chuyến “du lịch - nghỉ mát” độc đáo kiểu này.

Thỉnh thoảng bạn bè gọi điện hỏi thăm, ông trả lời: “Nói to lên, tôi đang trên xe buýt...”. Muốn hẹn và gặp được ông bạn già, những người bạn của ông hiểu rằng phải chọn vào một ngày mát trời...

 Kết 

1001 kiểu tránh nóng và trốn nắng khác nhau, từ du lịch nước ngoài đến du lịch trong nước. Từ tránh nóng trong siêu thị đến việc du ngoạn trên xe buýt để thưởng thức khí mát từ điều hòa siêu thị và xe buýt, xài hơi mát “chùa” một cách lịch sự... là những cách lựa chọn của nhiều người Hà Nội hiện nay.

Giải pháp tiết kiệm nhất, hay hợp sở thích nhất là tùy thuộc vào từng người, từng lứa tuổi...

Vì vậy, bên cạnh việc đi bộ dưới tán cây xanh, hóng mát bờ hồ... thì việc tránh nóng muôn hình muôn vẻ cũng và đã diễn ra với người dân Hà Nội.

 Ngân Hà 


Cổng trời Săm Pun - đường vàng hoa nở

 ANTĐ - Săm Pun thuộc xã Xín Cái, huyện Mèo Vạc (Hà Giang) từ lâu vốn được biết đến như là một trong những vùng đất nghèo khó bậc nhất của tỉnh với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng vô cùng khắc nghiệt. Nhưng mảnh đất khốn khó ấy vẫn như có cái duyên ngầm để rồi mê hoặc, mời gọi biết bao lớp người đam mê xê dịch tìm đến khám phá một Săm Pun rất khác. 

 Núi cao cao mãi nhưng ở cổng trời con người còn cao hơn núi 

Từ thị trấn Mèo Vạc hướng về phía chân đèo Mã Pí Lèng hùng vĩ có một ngã rẽ dẫn tới cửa khẩu Săm Pun, từ đây còn phải đi thêm chừng 50km đường uốn lượn theo từng thế núi mới đến được cột mốc 476 nơi đánh dấu chủ quyền lãnh thổ Việt Nam. Rời Mèo Vạc chừng 7km dòng sông Nho Quế hiện ra, duyên dáng và e ấp cuốn hút mọi ánh nhìn bởi màu xanh ngọc mượt mà. Đường chúng tôi đi sẽ lượn quanh theo dòng sông ấy.

Suốt dọc chặng đường 50km, chúng tôi không nhớ nổi mình đã vượt qua bao nhiêu khúc cua tay áo, bao đường viền chạy hình chữ M cheo leo bên sườn núi. Chạy xe với thứ cảm xúc đầy hứng khởi len lỏi trong mỗi chúng tôi khi chạy đua với mặt trời, khi con nắng tràn qua hết thung lũng này sang thung lũng khác tạo nên những gam màu tươi sáng đầy sống động. Nó không giống như gam màu xám đầy ảm đạm vốn thường bao phủ lên những vạt núi tai mèo của nơi đây, khi mùa đông ùa về trong cái rét cắt da cắt thịt. Thứ cảm giác ấy cùng với cảnh sắc dọc đường đã để lại trong chúng tôi những ấn tượng mà chẳng có thứ máy móc nào ghi lại được.

Săm Pun đang ngày một thay da đổi thịt, những con đường đất đá lởm chởm cách đây 5 năm đã không còn nữa, thay vào đó là những đoạn rải nhựa phẳng lì. Đã không còn thấy hình ảnh bùn lầy trộn đá, và những khúc cua nát vụn. Dẫu vậy vẫn còn đó những đoạn đường chỉ rộng độ 1,5m, 1 bên là vách núi dựng đứng 1 bên là vực thẳm, những dải núi hình cánh quạt đầy mê hoặc những kẻ ưa mạo hiểm. Dừng chân ở bất kỳ nơi nào trên cung đường ấy, phóng tầm mắt ra xa sẽ thấy được chặng mình đã đi qua, để thêm thán phục đồng bào người Mông ngày ngày vẫn ngất ngưởng trên những mỏm núi đá cao vợi. Núi cao, cao mãi nhưng ở cổng trời, con người còn cao hơn núi. Vươn cánh tay lên tựa như đã ôm cả bầu trời, gom mây, góp gió trong vòng tay hẹp, giây phút ấy thật choáng ngợp vô cùng.

Ấn tượng đầu tiên khi chúng tôi đến được cửa khẩu Săm Pun đó là sự yên bình. Dọc biên giới Việt - Trung, từng khóm cải vàng vẫn ngày đêm mọc xen cùng đá tai mèo sắc lẹm, dưới cái nắng vàng như rót mật. Sát bên cột mốc xen lẫn giữa những mái nhà của đồng bào nơi đây là những vườn hoa cải đầy hương sắc đang vờn mình trong gió. Nơi cổng trời ấy, những lão ông vẫn ung dung tự tại, vẫn hân hoan đón nhận những ngày mới tràn về.

Tuấn Linh

Tin liên quan ""Nào ta cùng... phượt""Xem tiếp...