Tuesday, May 28, 2013

Chuyện ông Tây tập ăn cơm bình dân Sài Gòn | Đồng Văn Lanh

 Ngồi trong căn phòng cho thuê ở tầng 5, tôi đã ăn suất cơm bình dân có thịt lợn và rau muống với niềm hân hoan nhất đời mình. 

Mùa hè năm 1996, mới chân ướt chân ráo ra trường, tôi chuyển đến sống ở thành phố Hồ Chí Minh chỉ vì một lý do rất đơn giản: Tôi thích đồ ăn Việt. Tình yêu với đồ ăn Việt của tôi nhen nhóm và lớn lên dần từ các nhà hàng ở bang Virginia, Maryland hay Washington. Thịt nướng, rau tươi giòn, gia vị thơm nồng, đặc biệt là món phở bò béo ngậy dậy mùi thơm, đặc trưng cho đất nước này chính là những món tôi khoái khẩu.

Khi ngày tốt nghiệp đến, tôi chỉ biết duy nhất một điều, rằng tôi muốn sống ở nước ngoài. "Nước ngoài" không đâu xa đó là Việt Nam, đất nước đang mở cửa chào đón phương Tây nhiều năm qua. Thực tế, tôi không xem đây là lựa chọn. Nó là số phận thì đúng hơn.

Ăn hàng ở Thành phố Hồ Chí Minh.


Nhưng, tôi nhanh chóng nhận ra rằng ẩm thực Việt không đúng như những gì tôi hiểu. Cảm nhận này đến với tôi sau vài tuần đầu tiên ở Việt Nam. Tôi đi ăn trưa trong một nhà hàng ở trung tâm thành phố. Ngồi trong đây, tôi có thời gian để ăn, nghỉ, thở và nghĩ ngợi, tránh xa khỏi cái nóng của xứ nhiệt đới, khỏi đường phố lộn xộn với đủ thứ xe cộ, các công trình đang thi công và cả đám khách du lịch nhát gừng.

Bất chợt tôi để ý thấy một người đàn ông cầm súng. Hắn bước ngang phố và đứng giữa trời nắng. Đó là một người Việt tầm 40 tuổi. Người này đeo kính râm, bên hông có vẻ như là giắt 1 khẩu tiểu liên Uzi. Sau đó hắn biến mất lẫn vào đám cửa hàng bên phố. Nếu bây giờ đường phố đông đúc toàn xe với cộ như khoảng 1h trước, tôi có thể đã không thấy anh ta. Nhưng hiện tại không như vậy, thậm chí cảnh người đàn ông có súng còn rõ ràng là đằng khác. Tôi đã muốn hỏi ai đó xung quanh về chuyện này - Người đàn ông đó là găngxtơ? Cảnh sát? Đồ ăn được bê lên bàn, thế là tôi quên khuấy anh ta.

Tôi không biết đã gọi món gì, nhưng có một số điểm thú vị trên thực đơn thu hút tôi: lươn nướng mía, thịt lươn tươi quấn quanh các khúc mía đường và nướng kĩ trên than. Nếm món lươn, tôi vô cùng tâm đắc. Thịt lươn đậm vị và ngậy dầu, có mùi vị của than thịt, kết hợp với vài miếng tỏi và vị ngọt của mía, chấm với nước mắm. Vị ngon trong miệng cứ phải gọi là tràn trề khi tôi nhai miếng mía đường, nước ép từ các xơ mía tuôn ra trộn lẫn với miếng lươn thịt lươn cuộn.

Đây, đây chính là lý do để tôi không thể rời khỏi Việt Nam. Đây cũng là lý do để tôi thu xếp hành lý và đến Việt Nam ở. Món lươn ngon đến nỗi tôi chỉ muốn quay ngoắt qua bàn ăn bên cạnh để khoe với người ăn bên đó rằng nó cân bằng tất cả mọi thứ.

Nhưng tôi làm gì có thấy ai khác đâu. Tôi là vị khách duy nhất của nhà hàng này - ăn một mình và thấy mình lú lẫn. Thực tế thì chỗ này có vẻ là nhà hàng có chất lượng, bởi món lươn ngon khỏi phải nói. Vậy những vị khách khác đi đâu? Tôi đã làm gì sai à?

Những tháng đầu tiên đó tôi cứ bị rối tung cả lên. Lúc đó tôi chắc chắn một điều rằng sẽ có rất nhiều món ăn ngon mình chưa thử. Nhưng tôi không biết cách ăn thế nào, gọi món kiểu gì và ăn cái gì, ở đâu, sao lại ăn món đấy, vv. Ví dụ, tôi thường ăn phở buổi trưa tại một nhà hàng khá nổi tiếng có tên Phở Hòa Pasteur. Nhưng khi tôi kể với sinh viên trong lớp tiếng Anh, họ có vẻ bối rối. Đối với những sinh viên đó, phở thường là bữa sáng, không phải là món ăn trưa. Tôi phản pháo, rằng buổi trưa cũng có rất nhiều người Việt ở quán Phở Hòa Pasteur đấy chứ. Đám sinh viên phản ứng yếu xìu, có lẽ họ không muốn "đôi co" với thầy mình, hoặc không muốn khiến tôi thấy khó chịu. Vâng, những sinh viên đó có thể nói, anh có thể ăn bất kì món nào anh thích ở bất kì thời điểm nào. Không sao cả!

Nhưng thực sự thì chuyện này có vấn đề. Và tôi hiểu gốc rễ sự việc. Tại các nhà hàng Việt ở nước Mỹ, người ta phục vụ mọi món ăn cùng một lúc - món mì, món soup, nem cuốn được xếp cùng với các món xào. Trong khi đó ở Việt Nam, các quán ăn/nhà hàng thường tập trung vào 1 món duy nhất: hoặc phở, hoặc bánh xèo, hoặc lẩu dê. Thật quá khó để làm quen với thói quen này. Thêm nữa, tôi chỉ biết vài chữ tiếng Việt, tôi thực sự không biết phải làm thế nào. Tôi biết cách dũng cảm nhất là đưa chân bước hú họa vào một nhà hàng nào đó, nhìn lên bàn ăn của một số khách và chỉ bừa món ăn mình chọn, sau đó thưởng thức. Nhưng sợ hãi và ngại ngùng luôn khiến tôi phải nghĩ.

Vậy là tôi thường lui tới ở các nhà hàng nước ngoài, nơi phục vụ đa số là khách du lịch. Mấy nhà hàng này khá ngon, các món Ý với cà chua tươi thái lát, đồ Nhật, đồ Pháp với paté, vang đỏ, soup hành ngon khỏi chê. Nhưng tất cả những điều này chứng minh rằng tôi đang thất bại trong nỗ lực chinh phục văn hóa Việt.

Vài tháng sau tôi chuyển xuống sống ở tầng 5 của một căn nhà cho thuê, trước đó tôi ở tầng 6 của nhà này. Phòng ở mới rộng hơn, có điều hòa và đặc biệt, có một khoảng sân trong rất tiện cho việc mua đồ ăn trưa ở tiệm Alfresco mang về nhà.

Nhưng mang về nhà món gì? Bánh mì kẹp thịt xông khói? Món Thái với thịt lợn và húng quế? Một ngày lang thang ở phố Bùi Viện, tôi thấy một người đàn ông đang nướng mấy xiên thịt lợn băm ở ngoài một cửa hàng cơm bình dân (thuật ngữ phương Tây sẽ gọi cơm bình dân là "the people's food"). Cơm bình dân có ở mọi nơi ở Việt Nam. Chỉ cần trả chưa đến 1 đôla, bạn đã có thể mua 1 đĩa có cơm, thịt lợn đi kèm nước mắm và ít đường, thêm rau muống xào tỏi hoặc một món với thịt lợn, nấm và dưa.

Thế mà trước đó tôi chưa bao giờ bắt gặp cơm bình dân. Có thể do những chiếc bàn gấp, ghế nhựa, mấy chiếc thìa nhôm (hoặc bằng innox) trông xấu xí. Cũng có thể do chiếc đĩa sơ sài, hoặc do ngồi ngoài trời vừa nóng vừa oi, từng khiến tôi xa lánh cơm bình dân. Có lẽ tôi cần phải học cách đọc thực đơn tiếng Việt. Nhưng có lẽ chỉ do tôi sợ. Tôi có thể dám mạo hiểm khẩu vị của mình, nhưng tâm lý dè chừng của tôi thì lại không.

Khi tôi ngửi mùi sườn nướng hoặc thịt lợn bằm, thật quái là mọi thứ lại thay đổi hết. Tôi không thể quay lưng đi với một thứ mùi béo ngậy, thơm nồng của thịt với tỏi, đường, nước mắm và hẹ. Vậy là tôi gọi cơm mang đi - sườn nướng, một ít cơm, đi kèm rau muống và dưa chuột thái lát. Tất cả chúng được gói vào hộp xốp và mang vào phòng tôi ở tầng 5, nơi tôi đã ăn với một trong những niềm hân hoan nhất đời.

Vậy là cơm bình dân mau chóng trở thành món ăn thường xuyên của tôi. Thường thì tôi được ăn món sườn nướng ngon nhất quả đất, nhưng đôi khi quán ăn đó cũng nấu cả thịt lợn om mềm tơi hoặc cá rán giòn và trứng rán.

Tôi ăn khá ngon trong phòng mình, nhưng dần dà tôi chuyển xuống ngồi ăn ở quán cơm. Khi ngồi ở đó, tôi để ý mấy vị khách khác. Họ ăn cơm, dùng đũa, đĩa và thìa, hoặc dùng cả 3. Tôi học được cách chuẩn bị nước mắm như thế nào, lấy mấy tép ớt tươi ra sao. Người dân ở đây ăn mà không có quá nhiều lễ nghi. Quán cơm bình dân nấu ăn khá ngon. Ngày ngày tôi nhìn và sao chép cách người dân ở đây ăn, tôi thậm chí còn không nhận ra rằng cách mình ăn hệt như một người Việt bình thường. Sau khi dùng bữa sáng chỉ với cà phê đen và bánh sừng bò, tôi lại sẽ ăn trưa với thịt lợn băm.

Tôi có thể ăn tối ở một nhà hàng Ấn Độ hay tiệc tùng với bạn ở một gara ô tô nào đó gần sông Sài Gòn, dù mấy bữa ăn đó mùi vị ngon dở ra sao, tôi không quan tâm lắm. Tôi chỉ biết chắc rằng mình lại đi ăn ở quán cơm bình dân trong bữa trưa ngày mai.

Trở lại với nhà hàng phục vụ món lươn nướng mía, tôi nhận ra một điều quan trọng, rằng nhà hàng đó không hợp để ăn trưa, nếu đến vào buổi tối, khách sẽ có nhiều món để chọn hơn. Vậy là tôi không bao giờ quay lại nhà hàng đó.

Món lươn nướng mía, ngon đến độ khắc cốt ghi tâm trong tôi, nhưng dường như cũng chỉ là một loại ảo tưởng trong tâm trí, tương tự như người đàn ông mang súng tiểu liên Uzi giữa ban ngày. Ngoại trừ nó, tất cả còn lại đều là thật, thật như mùi khói nướng thịt băm bốc lên từ quán cơm bình dân trên phố Bùi Viện.

Theo NYTimes


 Là Việt kiều Đan Mạch, Nguyễn Thanh Tùng đặc biệt yêu thích phong cảnh và ẩm thực Việt Nam. Cứ sau năm, bảy tháng làm công việc đầu bếp tại các khách sạn cao cấp ở Luân Đôn, anh lại về nước để đi du lịch. Năm 2004, anh đã vượt quãng đường 1.800 cây số từ Hà Nội vào TP. Hồ Chí Minh bằng chiếc xe đạp mini. 

 

 

 Đọc E-paper  

Tháng 3/2011, Thanh Tùng lại túc tắc đạp xích lô từ Hà Nội vào Nha Trang. Sau một thời gian về Đan Mạch trau dồi nghề nghiệp và kiếm tiền, đến tháng 12/2011 anh về Việt Nam, tiếp tục cuộc hành trình dở dang từ Nha Trang đến Cà Mau cũng bằng chiếc xích lô.

 Những kỷ niệm khó quên với chiếc xe độc đáo 

Đầu bếp mê khám phá này cho rằng phong cảnh Việt Nam rất đẹp và người dân rất hiếu khách, nếu đi du lịch bằng xe máy thì khó mà cảm nhận hết điều đó. Vì thế anh thích đi dọc đất nước một cách thong thả bằng các phương tiện có tốc độ thấp hơn.

 

Nguồn: gafin.vn

Link: http://gafin.vn/2013052803297277p64c72/chuyen-ong-tay-tap-an-com-binh-dan-sai-gon.htm

No comments:

Post a Comment