Wednesday, June 19, 2013

Lộn xộn kinh doanh lữ hành quốc tế: Cơ quan quản lý bất lực?

 (HNM) - Vụ việc 700 du khách Việt Nam bị Công ty TNHH MTV Dịch vụ du lịch cuộc sống (gọi tắt là Travel Life - trụ sở chính tại Tân Phú, TP Hồ Chí Minh) "bỏ rơi" tại Thái Lan đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về công tác quản lý các đơn vị kinh doanh lữ hành quốc tế. Mạnh tay hơn nữa trong việc xử lý doanh nghiệp hoạt động "chui", trả lại môi trường du lịch an toàn và lành mạnh là điều dư luận đang đòi hỏi ở cơ quan quản lý. 

 

 

Chợ nổi Thái Lan, một trong những điểm du lịch thu hút đông đảo du khách Việt Nam. Ảnh: Viết Thành


 Doanh nghiệp "chui", bán tour công khai 

Sự kiện bắt đầu từ hội nghị kết hợp tham quan, du lịch do Công ty Herbalife Việt Nam tổ chức cho khoảng 3.000 người sang Thái Lan từ ngày 12 đến 18-6. Do số lượng khách đông nên công ty này đã sử dụng dịch vụ của nhiều hãng, trong đó có Travel Life (phục vụ khoảng 700 khách, gồm 500 người ở khu vực phía Bắc và 200 người ở phía Nam). Đối tác của Travel Life tại Thái Lan là Công ty Thái 2020 chỉ nhận được vỏn vẹn 30% tiền đặt cọc, 70% còn lại Travel Life cam kết sẽ thanh toán ngay khi đoàn đến Thái Lan. Tuy nhiên, do không nhận được số tiền này nên sau 2 ngày kết thúc hội nghị, đối tác Thái Lan đã không thể phục vụ đoàn theo thỏa thuận.

Ngày 19-6, trao đổi với Báo Hànôịmới, ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, cho rằng, theo Luật Du lịch, công ty lữ hành muốn đưa du khách ra nước ngoài phải bảo đảm 3 điều kiện, gồm: Giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế, mua bảo hiểm du lịch cho du khách và sử dụng hướng dẫn viên có thẻ hành nghề. Tuy nhiên, Travel Life đã không đáp ứng đầy đủ các điều kiện trên.

Đại diện Tổng cục Du lịch Thái Lan (TAT) tại TP Hồ Chí Minh Huỳnh Đăng Khoa cũng cho biết thêm, chỉ có 700 du khách mua tour của Travel Life là gặp "sự cố". Những đoàn khách còn lại do các đơn vị du lịch khác phục vụ không xảy ra vấn đề gì. Công ty Travel Life đăng ký trụ sở ở một nơi nhưng lại hoạt động ở nơi khác. Điều đáng nói là dù không có giấy phép kinh doanh nhưng công ty này vẫn ngang nhiên đưa khách ra nước ngoài. Giá tour mà mỗi du khách phải trả cho chuyến đi này là 6,6 triệu đồng, thấp hơn giá thị trường 1,2 triệu đồng. Chính vì doanh nghiệp không kiểm soát được chi phí tour cũng như chi phí phát sinh khác nên dẫn đến sự việc đáng tiếc trên.

Lễ hội té nước tại Thái Lan. Ảnh: Nhật Nam


 Chỉ 6% đơn vị tuân thủ pháp luật  

Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Du lịch, hiện cả nước có khoảng 1.000 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh lữ hành quốc tế nhưng trên thực tế chỉ có khoảng 60 đơn vị hoạt động tốt và tuân thủ quy định. Sự việc trên một lần nữa cho thấy, loại hình kinh doanh lữ hành quốc tế khá lộn xộn trong khi công tác quản lý tỏ ra lỏng lẻo, dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh với chất lượng dịch vụ ngày càng đáng báo động.

Tình trạng các doanh nghiệp lữ hành hoạt động không phép đang diễn ra rất phổ biến tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình thẳng thắn nhận định. Thậm chí, nhiều công ty còn mượn, thuê giấy phép để đưa du khách ra nước ngoài. Có trường hợp cung cấp giấy phép cho khoảng 10 công ty khác để những đơn vị này đưa người Việt Nam ra nước ngoài. Việc quản lý kinh doanh lữ hành lỏng lẻo không những làm xấu hình ảnh du lịch Việt Nam mà còn ảnh hưởng đến vị thế của người Việt Nam ở nước ngoài. "Trong vụ việc này, rõ ràng là chính công ty du lịch Việt lại "chặt chém" khách Việt; chúng ta đã tự làm hại mình, làm xấu đi hoạt động du lịch Việt Nam ở nước ngoài" - Ông Vũ Thế Bình bức xúc.

Rõ ràng, cơ quan quản lý về du lịch không đủ sức quản lý ngành. Tổng cục Du lịch hiện không có riêng thanh tra chuyên ngành như trước đây mà lực lượng này đã sáp nhập thành thanh tra văn hóa. Không còn bộ phận chuyên trách nên ngành du lịch không đủ năng lực và nguồn lực để kiểm soát hoạt động kinh doanh lữ hành.

Ngày 19-6, Văn phòng TAT tại Việt Nam đã có thông báo về việc hơn 700 du khách Việt Nam bị "bỏ rơi" tại Thái Lan. TAT cũng đã liên lạc với Sở VH,TT&DL TP Hồ Chí Minh và Tổng cục Du lịch để có những hỗ trợ kịp thời. Hiện những du khách này đã trở về Việt Nam an toàn. Vụ việc cụ thể đã được giải quyết nhưng cơ quan quản lý nhà nước cần tổ chức thanh - kiểm tra khẩn cấp việc kinh doanh của các doanh nghiệp lữ hành trên toàn quốc. Bên cạnh đó, cần sớm thành lập lực lượng cảnh sát du lịch để bảo đảm an toàn cho du khách, đồng thời kiểm tra giấy phép kinh doanh của các doanh nghiệp đưa khách ra nước ngoài ngay tại cửa khẩu là những giải pháp để có thể quản lý tận gốc hoạt động kinh doanh lữ hành quốc tế.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình khuyến cáo, người Việt Nam ra nước ngoài thường quan tâm đến giá cả mà quên mất việc tìm hiểu đơn vị đưa mình ra nước ngoài. Do đó, điều quan trọng nhất là phải chọn những công ty có uy tín, tên tuổi và cảnh giác khi sử dụng những tour giá rẻ. Du khách nên đến tận trụ sở của doanh nghiệp để đặt tour và yêu cầu cho xem giấy phép kinh doanh hoặc gọi điện đến Sở VH,TT&DL địa phương kiểm tra xem công ty trên có chức năng phục vụ lữ hành quốc tế hay không. Khi mua tour, phải kiểm tra thật kỹ chi tiết hành trình và so sánh chất lượng dịch vụ với giá dịch vụ.


Bản Hụm làm du lịch

 (Dân Việt) - Khai thác những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình để phát triển du lịch là cách mà người dân bản Hụm, xã Chiềng Xôm, TP.Sơn La (Sơn La) đang thực hiện. 

Tích cực học hỏi

Bản Hụm có vị trí khá thuận lợi là nằm ngay sát TP.Sơn La, có 125 hộ, chủ yếu là đồng bào Thái sinh sống từ lâu đời. Từ năm 2012, được tỉnh Sơn La chọn làm điểm xây dựng bản du lịch cộng đồng, người dân bản Hụm đang tích cực học hỏi để có cách làm du lịch chuyên nghiệp, giới thiệu được nét đẹp truyền thống của dân tộc mình và tăng thu nhập cho bà con.

Vốn là nông dân, nay làm du lịch, đồng bào không khỏi bỡ ngỡ. Nhưng lợi thế về văn nghệ bản lại được dịp phát huy cao độ. Ông trưởng bản Quàng Văn Phóng tươi cười nói: “Nhìn bà con cấy lúa thế thôi nhưng khi khách đến có thể hóa thành hướng dẫn viên du lịch đấy. Các em, các chị ban ngày chân lấm tay bùn nhưng ban đêm trở thành những nàng tiên lung linh trong điệu múa xòe phục vụ du khách. Thiếu nữ Thái mà làm duyên thì đẹp đến ngẩn ngơ…”.

Đội văn nghệ bản Hụm chuẩn bị cho một tiết mục múa dân tộc Thái.

Từ khi làm du lịch, bà con thay đổi rất nhiều về nhận thức. Đường làng ngõ xóm, cảnh quan môi trường luôn được giữ gìn sạch đẹp. Xác định đây là cách làm mới để phát triển kinh tế, góp phần nâng cao mức sống vật chất, tinh thần cho chính người dân trong bản, nên bà con rất tích cực tham gia sinh hoạt bản.

Chị Lò Thị Thúy, người dân trong bản cho biết: “Bản đã thành lập một Ban du lịch cộng đồng gồm 9 người, có trách nhiệm quản lý chung hoạt động du lịch của bản. Mỗi tháng một lần, các hộ làm du lịch lại tập trung để tập huấn kỹ năng giới thiệu, quảng bá văn hóa, ẩm thực của dân tộc…, chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình làm du lịch.

Người dân trong bản tình nguyện đóng góp ngày công phục dựng lại ngôi nhà sàn Thái cổ, đây sẽ là nơi sinh hoạt văn hóa chung và lưu giữ các đồ vật truyền thống của người Thái như: Trang phục, khung cửi, nhạc cụ, vật dụng lao động sản xuất…

Tiềm năng từ bản sắc văn hóa

Phát triển du lịch cộng đồng ở bản Hụm là một cách làm hay để giữ gìn văn hóa dân tộc, bởi không có bảo tàng nào lưu giữ tốt hơn là được bảo tồn trong chính người dân.

"Bản sắc văn hóa dân tộc Thái là tiềm năng du lịch to lớn đang cần được khai thác, quảng bá - ông Quàng Văn Phóng - Trưởng bản cho biết, bước đầu bản đã có 5 nhà sàn làm dịch vụ khách nghỉ qua đêm. Tiến tới 100% số hộ trong bản sẽ làm du lịch cộng đồng.

Du khách sẽ được tham gia trực tiếp vào các hoạt động sản xuất thường ngày của bà con như: Đi nương, lội suối, bắt cá, dệt vải, nấu những món ăn cổ truyền… Ngoài ra còn tổ chức các lễ hội văn hóa văn nghệ với những bài hát, điệu múa đậm nét văn hóa dân tộc Thái”. Hiện tại bản có 6 đội văn nghệ thường xuyên luyện tập các điệu múa điệu xòe truyền thống để phục vụ du khách.

Chị Quàng Thị Tâm - một người dân của bản chia sẻ: “Làm du lịch khó hơn làm nông nhiều, thời gian đầu cũng bỡ ngỡ và lo sợ lắm nhưng sau khi được tập huấn cách giao tiếp tôi đã tự tin hơn rất nhiều. Gia đình tôi đã sửa sang lại ngôi nhà sàn hết 200 triệu đồng để tạo sự thoải mái khi du khách đến”.

Từ đầu năm 2013 đến nay, bản Hụm đã đón rất nhiều đoàn khách quốc tế từ Australia, Hàn Quốc, Nhật Bản…, rồi du khách trong nước, miền Nam, miền Trung… Số tiền thu được từ làm du lịch chưa nhiều nhưng đã mở ra cho người dân bản Hụm một hướng phát triển đầy tiềm năng.

Ngọc Mai


Vẻ đẹp hoang sơ đầy huyền bí của Mẫu Sơn

 Dân Việt - Với độ cao hơn 1.000 m so với mực nước biển, tách biệt hẳn với những khu dân cư, vẻ đẹp của Mẫu Sơn đầy hoang sơ, cổ kính chứa đựng nhiều huyền bí đối với mỗi du khách khi đặt chân tới đây. 

Theo ông Nguyễn Hải Đăng - Trưởng Ban quản lý Khu du lịch Mẫu Sơn, trước đây Người Pháp có công khai phá và xây dựng lên khu du lịch Mẫu Sơn với những ngôi biệt thự, vườn hoa trên đỉnh núi cao hơn 1000m. Do thời gian đã làm hư hỏng nhiều công trình, kiến trúc cổ, chỉ còn sót lại một số căn nhà, nền đất, tường cũ đầy hoang sơ và huyền bí.

Nền đất ngôi biệt thự cổ của Người Pháp xây dựng vẫn còn nguyên tường gạch

Hiện ở khu du lịch có 12 cơ sở kinh doanh dịch vụ với gần 20 tòa nhà, trong đó có khoảng 5 tòa nhà được xây dựng lại trên nền biệt thực cũ của Người Pháp. Dù mới đầu tư, xây dựng lại nhưng do thời tiết quanh năm mát mẻ, độ ẩm cao nên hầu hết những căn biệt thự ở đây dều phủ một mầu xám, bị rêu phong càng tạo nên vẻ cổ kính, và huyền bí. Do khoảng cách không xa trung tâm Hà Nội nên vào dịp cuối tuần, nhiều du khách vẫn tìm đến đình Mẫu Sơn để được tận hưởng không khí trong lành, mát mẻ, ngắm núi đồi, đất trời từ trên cao; ngắm hoa cẩm tú cầu đan xen xung quanh những ngôi biệt thự cổ đầy huyền bí…

Ban Quản lý khu du lịch Mẫu Sơn cho biết, năm 2008 tuyết rơi trên đỉnh Mẫu Sơn đã làm cho khu du lịch này tắc đương và từ đó tới nay cũng ghi nhận một lần tuyết rơi vào năm 2011. Thống kê 6 tháng đầu năm 2013, Mẫu Sơn đã đón 32.500 lượt khách du lịch, trong đó có cả du khách nước ngoài.

Dưới đây là một số hình ảnh về khu du lịch hoang sơ đầy huyền bí này:

Một ngôi biệt thự đã được cải tạo lại nhưng bị bỏ hoang

Lối đi vào những ngôi biệt thự đầy hoang sơ, huyền bí

Vườn hoa ở các ngôi biệt thự vẫn giữ nguyên kiến trúc cổ

Một khách sạn mới xây đã bị rêu phong do thời tiết ở Mẫu Sơn mát mẻ, độ ẩm cao

Tường ở Mẫu Sơn không chỉ rêu phong mà còn nhiều loài cây sống được trên tường

Nhiều du khách thích vẻ đẹp của các bức tường

Không gian mát mẻ trên đỉnh núi là những điểm đi dạo lý tưởng cho du khách

Đồng bào dân tộc thêu thổ cẩm để bán cho du khách ngay tại khu du lịch

Một ngôi biệt thự nhìn từ trên cao

Hoa cẩm tú cầu tạo nên vẻ đẹp đặc trưng ở Mẫu Sơn

Em bé dân tộc mang những con chim tới bán cho du khách

Thanh Xuân


Nhiều điểm mới tại “Đà Nẵng - Điểm hẹn mùa hè 2013”

 (HNM) - Chương trình "Đà Nẵng - Điểm hẹn mùa hè 2013" diễn ra từ ngày 28-6 đến 3-7 tại Công viên Biển Đông, bãi biển Phạm Văn Đồng và một số tuyến đường chính thuộc quận Sơn Trà. 

  


Chương trình phong phú, có nhiều nét mới như trình diễn bóng đá nghệ thuật, diễu hành mô tô, thi dù lượn; các trò chơi thể thao như dù kéo, thuyền buồm; thi ăn nhanh, uống nhanh, lắc thúng nan; thi 3 môn phối hợp bơi - chạy bộ - đua xe đạp… Trong dịp này, các đơn vị lữ hành mở tour "Câu cá cùng ngư dân", "Lặn biển ngắm san hô", "Khám phá bán đảo Sơn Trà", "Du ngoạn sông Hàn về đêm"... Chương trình "Đà Nẵng - Điểm hẹn mùa hè 2013" sẽ chính thức khai mạc vào 19h ngày 29-6.


1001 kiểu chống nóng

 Từ du lịch... 

  

Những gia đình có điều kiện, ngay từ khi con em được nghỉ hè, đã tổ chức cả nhà đi nghỉ dài ngày ở các nước. Chị M.H, ở một cơ quan báo chí truyền thông, ngay sau khi con trai vừa thi vào THPT xong, đã xin nghỉ phép 10 ngày để đi các nước Đông Âu, thăm mẹ và em gái ở Pháp. Chị cho cả nhà đi.

Dân Hà Nội xuống hồ Tây chống nóng Ảnh: Thanh Tùng

Nhưng số người đưa cả gia đình đi nghỉ mát và du lịch có điều kiện như chị - không nhiều.

Thông thường, việc đi du lịch từng nhóm gia đình, có sở thích và điều kiện kinh tế như nhau tổ chức đi cùng một nơi, và mỗi gia đình đặt vé máy bay giá rẻ từ trước. Họ không du lịch theo tour, mà tự tìm hiểu nơi mình cần đến, rồi đối chiếu chương trình với những địa điểm du lịch, xác định thời gian, đặt phòng và thuê xe ô tô, ăn nghỉ tại nơi mình đến. Như vậy, rẻ hơn rất nhiều.

Nhóm gia đình chị V - ở một Công ty thuộc Bộ GTVT, đã tự tổ chức chuyến đi thăm miền tây, sang Campuchia, thăm thú 3 tỉnh bên nước bạn, đi lại, ăn nghỉ thoải mái trong 1 tuần mà chỉ hết khoảng 10 triệu/người. Trong đó đã có vé máy bay Hà Nội - TP Hồ Chí Minh và ngược lại. Bởi các chị đã đặt vé máy bay giá rẻ từ 6 tháng trước. Kep, Kampot, Sihanuc vil... là những địa danh đẹp và hấp dẫn nhất của Campuchia, cũng đã được các chị lên chương trình và “kịch bản” thăm các danh thắng độc đáo ở các tỉnh này chuẩn như sắp đặt - không chệch một chút nào.

Lẽ dĩ nhiên, những chuyến đi như vậy, chương trình phải thật chặt chẽ, bởi sơ sểnh một chút sẽ gặp rủi ro. Chỉ cần muộn 2 - 4 tiếng là mọi việc tiếp theo kế hoạch sẽ lở dở hết. Tốc độ, thời gian phải thật sự quy chuẩn. Đi du lịch như vậy, cần phải có kinh nghiệm, nếu không, sức khỏe và tiền nong sẽ bị ảnh hưởng. Vì thế chuyến đi sẽ trở nên nặng nề vì tâm lý, mọi việc sẽ không vui.

 Đến liệu pháp “tránh nóng” 

Những ngày nắng nóng, việc rủ nhau ra bể bơi hay dạo mát trên các đường phố công viên là một trong những “liệu pháp” trị nắng nóng của nhiều người. Đặc biệt là đối với trẻ em. Những bể bơi dày đặc trẻ em, người lớn trên các địa bàn quận huyện nội và ngoại thành là một trong những địa chỉ hấp dẫn cho nhiều trẻ em và người lớn, khi gia đình chưa có cơ hội cho trẻ đi nghỉ mát ở những địa điểm hấp dẫn như Tam Đảo, biển Sầm Sơn, Cửa Lò...

Chỉ với 750.000 đến 1.200.000 đồng, các bậc cha mẹ có thể cho con mình học bơi với các thầy trong cả dịp hè nắng nóng. Một công đôi ba việc. Con cái vừa biết bơi, vừa được tắm mát. Cha, mẹ ngồi trên bờ xem các con học bơi, sau đó đón các con về khi kết thúc giờ bơi. Nếu đói, mệt, thì đã có thức ăn nhanh phục vụ tại chỗ. Điều đó lý giải tại sao ở các bể bơi trong nội thành, đầy ắp trẻ em tập bơi. Với giá 50.000 đồng/ 2h, bể bơi Thanh Xuân Bắc đông nghịt người lớn và trẻ em tập bơi. Chị H, nhân viên của bể bơi Thanh Xuân Bắc bảo tôi, nên đi bơi buổi sáng, ca từ 5h30’ đến 8h. Vì buổi sáng, vắng vẻ hơn. Hầu như không có trẻ em, số người bơi vắng hơn, rất dễ cho việc luyện tập. Chiều từ 17h45’ đến 19h30’, đông trẻ em nên ca sáng là sự lựa chọn của nhiều người cao tuổi.

Bà P, công dân nghỉ hưu của khi nhà G, Thanh Xuân Nam thường chọn cách tránh nắng độc đáo: Bà đưa 2 cháu ngoại tới các siêu thị, đặc biệt là siêu thị Com.pac nằm trên đường Nguyễn Trãi. Đây là siêu thị lớn, có cầu thang máy, điều hòa mát rượi. “Ở nhà nóng nắng lắm. Bật điều hòa thì tốn tiền, xem ti-vi mãi cũng chán. Cuồng cẳng cả cháu lẫn bà... Chi bằng vừa cho các cháu dạo chơi, vừa chống nóng. Khi nào chúng mỏi thì đưa về...”

Hèn gì mà hễ trời nắng nóng, nhiều siêu thị đầy ắp trẻ em, người già. Một nhân viên ở siêu thị Com.pac mỉm cười: “Họ đi tránh nóng đấy ạ. Nếu có mua hàng, họ chỉ mua chiếc bánh, lô sữa chua cho trẻ... Nhiều người không mua gì... Nhưng hễ ai đến siêu thị cũng là quý rồi... Không mua nhiều thì mua ít. Không mua lần này thì mua lần khác... Không vấn đề gì đâu bác ạ”.

Tôi được biết, nhiều gia đình đều chọn giải pháp này cho trẻ em và người già trong những ngày nắng nóng. Xem hàng hóa vừa vui, vừa mát... Có ai đuổi mình khi mình chỉ xem hàng thôi đâu? Một ông lão hóm hỉnh trả lời khi tôi hỏi về việc ông thường xuyên có mặt tại các siêu thị khi trời nắng nóng.

Liệu pháp du lịch - tránh nóng mới xuất hiện ở Hà Nội là lên xe buýt rong ruổi, vừa ngắm nhìn phố phường, vừa ngả lưng hưởng thụ cái mát mẻ dễ chịu trong xe buýt. Ông T, một công chức trong Tổng Công ty chè Việt Nam, nghỉ hưu mấy năm nay, có mặt thường xuyên trên tất cả các tuyến. Ông có thẻ thương binh, nên không mất vé. Lên xe, được nhường chỗ. Ngồi vị trí tốt nhất, tha hồ ngắm cảnh phố phường qua cửa kính, sẵn có tâm hồn thi sĩ, thỉnh thoảng ông lại cho ra đời mấy bài thơ sau mấy chuyến “du lịch - nghỉ mát” độc đáo kiểu này.

Thỉnh thoảng bạn bè gọi điện hỏi thăm, ông trả lời: “Nói to lên, tôi đang trên xe buýt...”. Muốn hẹn và gặp được ông bạn già, những người bạn của ông hiểu rằng phải chọn vào một ngày mát trời...

 Kết 

1001 kiểu tránh nóng và trốn nắng khác nhau, từ du lịch nước ngoài đến du lịch trong nước. Từ tránh nóng trong siêu thị đến việc du ngoạn trên xe buýt để thưởng thức khí mát từ điều hòa siêu thị và xe buýt, xài hơi mát “chùa” một cách lịch sự... là những cách lựa chọn của nhiều người Hà Nội hiện nay.

Giải pháp tiết kiệm nhất, hay hợp sở thích nhất là tùy thuộc vào từng người, từng lứa tuổi...

Vì vậy, bên cạnh việc đi bộ dưới tán cây xanh, hóng mát bờ hồ... thì việc tránh nóng muôn hình muôn vẻ cũng và đã diễn ra với người dân Hà Nội.

 Ngân Hà 


Cổng trời Săm Pun - đường vàng hoa nở

 ANTĐ - Săm Pun thuộc xã Xín Cái, huyện Mèo Vạc (Hà Giang) từ lâu vốn được biết đến như là một trong những vùng đất nghèo khó bậc nhất của tỉnh với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng vô cùng khắc nghiệt. Nhưng mảnh đất khốn khó ấy vẫn như có cái duyên ngầm để rồi mê hoặc, mời gọi biết bao lớp người đam mê xê dịch tìm đến khám phá một Săm Pun rất khác. 

 Núi cao cao mãi nhưng ở cổng trời con người còn cao hơn núi 

Từ thị trấn Mèo Vạc hướng về phía chân đèo Mã Pí Lèng hùng vĩ có một ngã rẽ dẫn tới cửa khẩu Săm Pun, từ đây còn phải đi thêm chừng 50km đường uốn lượn theo từng thế núi mới đến được cột mốc 476 nơi đánh dấu chủ quyền lãnh thổ Việt Nam. Rời Mèo Vạc chừng 7km dòng sông Nho Quế hiện ra, duyên dáng và e ấp cuốn hút mọi ánh nhìn bởi màu xanh ngọc mượt mà. Đường chúng tôi đi sẽ lượn quanh theo dòng sông ấy.

Suốt dọc chặng đường 50km, chúng tôi không nhớ nổi mình đã vượt qua bao nhiêu khúc cua tay áo, bao đường viền chạy hình chữ M cheo leo bên sườn núi. Chạy xe với thứ cảm xúc đầy hứng khởi len lỏi trong mỗi chúng tôi khi chạy đua với mặt trời, khi con nắng tràn qua hết thung lũng này sang thung lũng khác tạo nên những gam màu tươi sáng đầy sống động. Nó không giống như gam màu xám đầy ảm đạm vốn thường bao phủ lên những vạt núi tai mèo của nơi đây, khi mùa đông ùa về trong cái rét cắt da cắt thịt. Thứ cảm giác ấy cùng với cảnh sắc dọc đường đã để lại trong chúng tôi những ấn tượng mà chẳng có thứ máy móc nào ghi lại được.

Săm Pun đang ngày một thay da đổi thịt, những con đường đất đá lởm chởm cách đây 5 năm đã không còn nữa, thay vào đó là những đoạn rải nhựa phẳng lì. Đã không còn thấy hình ảnh bùn lầy trộn đá, và những khúc cua nát vụn. Dẫu vậy vẫn còn đó những đoạn đường chỉ rộng độ 1,5m, 1 bên là vách núi dựng đứng 1 bên là vực thẳm, những dải núi hình cánh quạt đầy mê hoặc những kẻ ưa mạo hiểm. Dừng chân ở bất kỳ nơi nào trên cung đường ấy, phóng tầm mắt ra xa sẽ thấy được chặng mình đã đi qua, để thêm thán phục đồng bào người Mông ngày ngày vẫn ngất ngưởng trên những mỏm núi đá cao vợi. Núi cao, cao mãi nhưng ở cổng trời, con người còn cao hơn núi. Vươn cánh tay lên tựa như đã ôm cả bầu trời, gom mây, góp gió trong vòng tay hẹp, giây phút ấy thật choáng ngợp vô cùng.

Ấn tượng đầu tiên khi chúng tôi đến được cửa khẩu Săm Pun đó là sự yên bình. Dọc biên giới Việt - Trung, từng khóm cải vàng vẫn ngày đêm mọc xen cùng đá tai mèo sắc lẹm, dưới cái nắng vàng như rót mật. Sát bên cột mốc xen lẫn giữa những mái nhà của đồng bào nơi đây là những vườn hoa cải đầy hương sắc đang vờn mình trong gió. Nơi cổng trời ấy, những lão ông vẫn ung dung tự tại, vẫn hân hoan đón nhận những ngày mới tràn về.

Tuấn Linh

Tin liên quan ""Nào ta cùng... phượt""Xem tiếp...


Trẻ em làng biển Lý Sơn đón hè

 Không như trẻ em ở thành phố, nghỉ hè đồng nghĩa với việc được cha mẹ đưa đi chơi hay đơn giản là ở nhà nghỉ ngơi sau một năm học dài căng thẳng, những đứa trẻ ở trên đảo Bé (huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) lại có những ngày hè thật khác lạ - đón mùa rong biển. 





Tách lấy ruột nhím biển gúp cha mẹcải thiện bữa cơm


Tận mắt nhìn các em vật lộn trước sóng kéo rong biển, người nơi phố thị thấy ngỡ ngàng. Chút xót xa, chút thương cảm cho các em khi thấy các em phải vất vả trong cuộc mưu sinh nhiều gian khó. Nghỉ hè đấy mà lao động nhiều, theo đuổi giấc mơ con chữ đấy mà tuổi thơ nặng gánh lo toan.


Thế nhưng thật bất ngờ, tôi thấy niềm vui của các em trong lao động. Sự thương cảm nhường chỗ cho cảm mến bởi không phải chỉ có riêng nơi này trên dải đất hình chữ S, các em coi lao động phụ giúp cha mẹ như một lẽ tự nhiên nhất.

Lý Sơn bé là đảo nhỏ, nghề biển gần như là cách mưu sinh duy nhất của người dân nơi đây vì trên đảo đất ít, nước hạn, hành, tỏi không có điều kiện phát triển tốt như ở trên đảo lớn. Bởi thế nên cánh đàn ông, thanh niên trong nhà tháng tháng lênh đênh trên sóng. Nữ thanh niên cũng về đảo Lý Sơn lớn để buôn bán kiếm thêm thu nhập cho gia đình, cuối tuần, cuối tháng mới tìm về. Biển khơi như thấu hiểu nỗi khó khăn của người dân đảo, gửi vào bờ những rong biển, những món hải sản độc đáo như ốc nhím, cua đá... Vào mùa rong biển hè, các em có thể kiếm được mỗi ngày khoảng 3kg rong biển, giá rong biển tươi từ 4- 5 nghìn đồng một cân. Số tiền kể trên là rất quý cho các em để cùng cha mẹ chuẩn bị hành trang cho năm học mới và có thêm trách nhiệm với gia đình, với cuộc sống giữa bốn bề biển khơi.




Tuổi thơ các em lớn lên cùng với biển


Vẫn mong sao, giữa sóng lớn, có thể thấy nụ cười của các em, có thể thấy các em nô đùa hay thử tài nhảy sóng, thử tài khéo tay bóc nhím biển... Và sau mùa cá, mùa tỏi, cha mẹ các em lại trở về để dành cho các em những nâng niu, những yêu thương như chính lứa tuổi của các em đáng được hưởng.

Xem thêm clip để thấy trẻ em đảo Lý Sơn bé vớt rong biển ngày hè:



Bạn cài Flash Player để xem được Clip này.



Bài, ảnh:Lê Sơn


Kinh doanh du lịch không thể ăn xổi ở thì

 Sự kiện Công ty Du lịch Travel Life tổ chức tour trái phép, bỏ rơi hơn 700 du khách Việt Nam ở Thái Lan gây bức xúc trong dư luận. Bạn đọc cho rằng, cần nghiêm túc chấn chỉnh tình trạng kinh doanh du lịch bát nháo, “ăn xổi ở thì” hiện nay. 

 Cần có cảnh sát du lịch 

Trong thời gian gần đây, mặc dù ngành công an quan tâm tăng cường biện pháp trấn áp tội phạm, bảo đảm an toàn cho du khách đến Việt Nam, nhưng vẫn có không ít du khách nước ngoài bị lừa đảo, trấn lột, cướp giật tài sản. Trước đây, bọn cướp giật không nhằm vào du khách nước ngoài, do biết rằng công an sẽ kiên quyết điều tra xử lý, nhưng gần đây, bọn tội phạm có biểu hiện manh động hơn, xem thường pháp luật cũng như sức khỏe, tính mạng của nạn nhân là du khách.

Chính quyền và công an địa phương cần kiên quyết trấn áp tội phạm để đảm bảo an ninh trật tự xã hội tại các điểm du lịch và bảo vệ an toàn cho du khách. Bên cạnh đó, các công ty tổ chức tour cho du khách vào Việt Nam nên quan tâm hướng dẫn, nhắc nhở tận tình cho du khách cảnh giác những điểm có thể xảy ra tệ nạn cướp giật. Khi du khách gặp tình huống cần hỗ trợ, người dân ở các điểm du lịch nên tận tình giúp đỡ. Từ lâu, đất nước, con người Việt Nam được biết đến bởi sự hiền hòa, hiếu khách, thân thiện. Thế nhưng nay tệ nạn cướp giật tài sản đối với du khách nước ngoài đã liên tục xảy ra khiến nhiều người bức xúc. Đừng để du khách nước ngoài phải e ngại, lo sợ và không dám quay lại nước ta vì bọn cướp giật. Nhiều nước đã tổ chức lực lượng Cảnh sát du lịch, nước ta cũng nên nghĩ đến việc tổ chức lực lượng này để bảo đảm an toàn cho du khách.

 NGUYỄN ĐƯỚC (Quận 5, TPHCM)  

 

Tình trạng chèo kéo để bán hàng rong khiến nhiều du khách bực bội khi đến Việt Nam. Ảnh: THU HƯỜNG

Cẩn trọng với công ty lữ hành “ma” 

Mùa hè là mùa du lịch, là thời cơ kinh doanh chủ yếu của các đơn vị lữ hành. Tuy nhiên do còn nhiều bất cập trong việc quản lý các đơn vị du lịch lữ hành, nên thị trường du lịch xuất hiện tình trạng cạnh tranh thu hút khách bát nháo, không lành mạnh, thậm chí có hành vi lừa đảo du khách.

Thông thường du khách phải trả tiền trước, còn các dịch vụ chỉ được thỏa thuận qua hợp đồng, cam kết của các hãng. Đến khi đi du lịch, công ty lữ hành cố tình thay đổi bữa ăn, phòng khách sạn, cắt bỏ các điểm tham quan có phí và thay vào đó là những điểm miễn phí hay lùa khách vào hết cửa hàng này đến cửa hiệu khác để kiếm hoa hồng… Nhiều công ty cho khách khởi hành vào buổi chiều, mỗi xe chỉ có một tài xế. Do tài xế phải lái xe suốt đêm và ngày hôm sau phải tiếp tục chở khách đi tham quan, không được nghỉ ngơi, dễ dẫn đến tai nạn giao thông. Bên cạnh đó hiện nay có tình trạng những công ty lữ hành “ma”, hợp đồng với các cơ quan, trường học, rồi mua đi bán lại du khách cho các đơn vị lữ hành khác để hưởng lợi, khiến du khách thường xuyên bị sang chuyến, ghép chuyến và cắt xén lịch trình do đơn vị lữ hành khác đảm nhiệm.

Để ngăn chặn tình trạng này xảy ra, đảm bảo quyền lợi du khách, trước tiên các cơ quan chức năng cần phải vào cuộc kiểm tra từ khâu cấp phép cho đến quản lý hoạt động kinh doanh du lịch, tránh tình trạng bát nháo như hiện nay, gây thiệt hại tinh thần lẫn vật chất cho du khách. Bên cạnh đó các cơ quan, trường học không nên vội nghe những lời mời, lời giới thiệu quảng cáo đã ký hợp đồng, mà cần phải tỉnh táo lựa chọn các công ty du lịch có uy tín, thực hiện những ràng buộc nhất định trong việc xây dựng hợp đồng chuyến đi du lịch sao cho đảm bảo chất lượng, an toàn.

 VĂN THY HOÀNG (Phòng GD-ĐT Hội An, Quảng Nam) 

 Mạnh tay xử lý nạn “chặt chém” 

Hiện nay bên cạnh những điểm du lịch lý tưởng vì cung cách phục vụ chu đáo, tận tình, cũng có không ít điểm du lịch khiến du khách nước ngoài một đi không trở lại. Thời gian gần đây, báo chí trong nước phản ánh khá nhiều về nạn “chặt chém” ở các quán ăn, nhà hàng tại các TP du lịch. Khi cơ quan chức năng vào cuộc, hiện tượng đó lắng dịu một thời gian rồi lại tiếp tục “nổi sóng”. Một số quán ăn, nhà hàng vì làm ăn theo kiểu ăn xổi ở thì nên “chém” mạnh tay. Tuy có sự can thiệp của chính quyền sở tại, nhưng với kiểu quản lý “ngứa đâu gãi đó”, khiến một số chủ quán ăn xem thường luật pháp. Rút giấy phép kinh doanh quán này, họ lại mở quán khác. Cứ thế, giải pháp tìm ra hướng đi mới cho ngành du lịch các địa phương như cái vòng luẩn quẩn, đâu lại vào đấy, người chịu thiệt thòi vẫn chỉ là du khách.

Gần đây, một số tài xế taxi Hà Nội thu cước với giá “trên trời” khiến du khách phẫn nộ, làm mất đi hình ảnh thân thiện của người Việt Nam, từ đó kéo theo sự tụt dốc của ngành du lịch nước ta. Nếu ai đã từng đến Campuchia tham quan quần thể Angkor đều biết cung cách làm du lịch của họ rất hay, hơn hẳn ở ta. Đặc biệt nơi đây không có tình trạng người bán hàng rong lôi kéo khách mua hàng như ở xứ ta.

Đừng để những danh thắng ở nước ta bị du khách quay lưng chỉ vì cung cách phục vụ ăn xổi ở thì, quan tâm đến “lượng” hơn “chất” ở một số địa phương. Bộ VH-TT-DL cần đưa ra những chiến lược thiết thực để vực dậy ngành du lịch nước nhà bằng giải pháp thành lập các hiệp hội, tổ chức du lịch… để cạnh tranh, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau. Đặc biệt, cần xử lý mạnh tay với những người bán hàng rong, chèo kéo, “chặt chém” du khách.

 NGUYỄN THANH VŨ (Sơn Kỳ, Tân Phú, TPHCM) 


 
 
 

Miễn phí tham quan di sản Mỹ Sơn, Hội An

 Trong khuôn khổ Festival di sản Quảng Nam diễn ra từ 22-26.6, hai di sản văn hóa thế giới tại Quảng Nam là khu đền tháp Chăm Pa Mỹ Sơn (huyện Duy Xuyên) và đô thị cổ Hội An (TP.Hội An) sẽ mở cửa cho du khách tham quan miễn phí. 

Hội An là điểm đến yêu thích của nhiều khách du lịch trong nước và quốc tế. Ảnh Lê Quang Vinh.

Hai di sản này sẽ là tâm điểm của hầu hết các hoạt động văn hóa, văn nghệ, hội thảo, trưng bày... của festival, ngoài ra cũng có nhiều hoạt động được tổ chức đồng loạt ở các địa phương Điện Bàn, Nam Giang, Tam Kỳ...

Ban tổ chức festival cho biết, để phòng tránh nạn “chặt chém”, lộn xộn trong thời gian diễn ra festival, tỉnh Quảng Nam đã triển khai nhiều biện pháp để bình ổn dịch vụ lưu trú và hàng hóa trên địa bàn. Hiện đã có 5.500-6.000 phòng sẵn sàng đón khách, hầu hết các khách sạn tại Hội An đều cam kết xây dựng bảng giá, bán theo giá niêm yết và ủng hộ 10% tổng số phòng phục vụ các đoàn biểu diễn tại festival.

 Tuần lễ Văn hóa và Phát triển UNESCO tại Việt Nam 

Tuần lễ Văn hóa và Phát triển UNESCO tại VN lần thứ 2-2013 sẽ được Văn phòng UNESCO Hà Nội phối hợp với UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức trong khuôn khổ Festival Di sản Quảng Nam diễn ra từ ngày 22-26.6, với sự tham dự của Tổng Giám đốc UNESCO-bà Irina Bokova. Tuần lễ năm 2013 đặt mục tiêu tiếp tục khẳng định việc lồng ghép văn hóa trong các khái niệm, đánh giá và thực hành phát triển, nhằm đảm bảo hoàn thành và duy trì các mục tiêu phát triển bền vững, đồng thời công bố một số kết quả của quá trình hợp tác giữa UNESCO và tỉnh Quảng Nam trong thập kỷ qua, minh chứng cho những đóng góp cụ thể của du lịch di sản và công nghiệp sáng tạo đối với phát triển bền vững.

Các kinh nghiệm trong việc tăng cường sự tham gia và hưởng lợi từ sự phát triển du lịch của các cộng đồng địa phương đồng thời đảm bảo các trải nghiệm phong phú cho du khách và bảo tồn di sản cho các thế hệ tương lai cũng sẽ được chia sẻ tại đây. Các hoạt động chính trong tuần lễ này là: Lễ trao giải cuộc thi sáng tác mỹ thuật “Di sản Thế giới trong tay bạn”; Khai trương Trung tâm Thông tin du khách Hội An; Khai trương phòng trưng bày hiện vật và nhóm tháp G-Mỹ Sơn sau trùng tu và khai trương trưng bày “UNESCO và Quảng Nam hợp tác vì văn hóa và phát triển bền vững”.

 Nơi di sản ASEAN tụ hội 

Một điểm nhấn khác của festival chính là “Không gian di sản văn hóa Việt Nam - ASEAN” được tổ chức tại công viên Vườn tượng An Hội bên bờ sông Hoài (TP.Hội An). Đây sẽ là nơi giới thiệu về các vùng miền văn hóa đặc trưng của VN với những di sản văn hóa và thiên nhiên cùng những hình ảnh sinh động khác đặc trưng cho văn hóa các quốc gia khu vực Đông Nam Á.

Ở khu vực không gian di sản văn hóa VN, tỉnh Quảng Nam và 22 đại diện cho 22 tỉnh, thành phố trong nước có di sản văn hóa và di sản thiên nhiên đã được UNESCO công nhận và đang đệ trình hồ sơ công nhận tham gia giới thiệu về di sản văn hóa của mình: Tín ngưỡng thờ Vua Hùng (Phú Thọ), di sản mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm (Bắc Giang), di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh), di sản thế giới thành nhà Hồ (Thanh Hóa), quần thể di tích Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình), không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên... Còn ở khu vực di sản ASEAN, sẽ đưa người xem đến với di sản văn hóa (vật thể và phi vật thể) nổi tiếng của các quốc gia ASEAN thông qua hình ảnh và bộ sưu tập về di sản, trong đó bao gồm trang phục truyền thống.

Kỳ vọng của BTC là biến không gian di sản văn hóa Việt Nam - ASEAN thành một bức tranh tổng thể về di sản văn hóa VN và các quốc gia ASEAN - nơi quảng bá tiềm năng văn hóa, thương mại và du lịch, liên kết phát triển du lịch di sản văn hóa bền vững giữa các vùng miền trong nước cũng như giữa các quốc gia khu vực ASEAN, hướng tới xây dựng cộng đồng ASEAN 2015. Cũng chính vì thế tại nơi đây sẽ thường xuyên diễn ra hoạt động trình diễn di sản văn hóa phi vật thể đã được UNESCO công nhận là di sản thế giới: Nhã nhạc cung đình Huế, ca trù, quan họ, hát xoan, hát ống, hò xứ Quảng, đờn ca tài tử Nam Bộ... cũng như giới thiệu một số lễ hội, trò chơi truyền thống: Lễ kết nghĩa anh em của dân tộc Ê Đê, lễ cấp sắc dân tộc người Dao Thanh Y.

Tối 19.6, tại TP.Hội An đã diễn ra “Hội thi Hợp xướng Quốc tế Việt Nam lần thứ 3 - 2013”, do Hiệp hội Hợp xướng Quốc tế Interkultur (Đức) phối hợp với TP.Hội An tổ chức. Tham gia hội thi có hơn 500 nghệ sĩ của 16 đoàn nghệ thuật, sẽ tranh tài qua 13 môn thi. Bên cạnh phần thi, các đoàn hợp xướng quốc tế cùng với các đoàn nghệ thuật ASEAN và VN sẽ trình diễn trong chương trình “Nghệ thuật đường phố” ở phố cổ Hội An và một số địa phương trong tỉnh Quảng Nam. VN có ba đoàn hợp xướng tham gia gồm: Trung tâm Văn hóa thông tin tỉnh Quảng Nam, nhà thờ Công giáo Hội An và CLB Hợp xướng thiếu nhi TP.Hội An. Cuộc thi sẽ kéo dài đến hết ngày 22.6.


Saturday, June 15, 2013

Độc đáo bánh flan dừa cô Mười

 (iHay) Người lăng xăng lấy ghế, người rộn ràng gọi món, người vừa chóp chép vừa rôm rả “tám”. Đó là cảnh thường thấy mỗi buổi chiều ở một "quán" bánh flan dừa trong chung cư Chợ Quán (Q.5, TP.HCM). Cũng xin nói ngay, bánh flan dừa ở đây không phải là bánh flan trong trái dừa, mà là bánh flan được chế biến với lớp cốt dừa nguyên chất đông đặc lại khá lạ và độc đáo. 

Thời tiết oi bức, những món ăn thanh nhiệt giải khát luôn hấp dẫn giới trẻ nói riêng và người Sài Gòn nói chung. Cũng như chè khúc bạch hay trà chanh bây giờ, món bánh flan dừa đã từng là “trào lưu ăn vặt” của học sinh, sinh viên từ hơn chục năm về trước.

Đến nay, món bánh flan có phần bị lép vế so với hàng loạt quán ăn và món ăn vặt mới. Tuy nhiên, với ưu điểm ngon, rẻ và lạ miệng, "quán" bánh flan dừa của cô Mười chưa bao giờ giảm khách.

Nói "quán" cho sang chứ thật ra, chỗ cô Mười chỉ có chiếc xe đẩy kèm mấy cái ghế. Nên lắm lúc, khách phải chịu khó đứng để thưởng thức món ngon nức tiếng nhiều năm qua.


Dĩa bánh flan dừa thơm ngon ở "quán" cô Mười

Có lẽ bạn không lạ gì với món bánh flan chan tí cà phê và nước cốt dừa nhưng điều làm nên điểm đặc biệt của bánh flan ở đây chính là nước cốt dừa đã được cô Mười biến hóa thành một lớp dừa đông đặc bên dưới bánh flan, vừa béo vừa thơm lại bùi bùi lạ miệng.


Lớp nước cốt dừa nguyên chất cô đặc béo ngậy khiến món bánh flan quen thuộc trở nên đặc biệt hơn

Là khách hàng thân thiết cả chục năm của "quán", khi tôi hỏi cách làm lớp dừa thì cô Mười chỉ nói là cô có bí quyết riêng. Có lẽ chính vì khéo giữ “bí quyết gia truyền” nên "quán" của cô vẫn được xem là "quán" bánh flan dừa đầu tiên và duy nhất ở Sài Gòn.


Bánh flan dừa là đặc sản chỉ có ở quán bánh flan cô Mười

Không chỉ ngon ở lớp dừa, phần bánh flan cũng hấp dẫn vượt trội so với nhiều nơi khác: bánh mềm vừa phải, đặc mịn, không bị rỗ và vữa, màu vàng bắt mắt và vị ngọt vừa đủ. Cứ tưởng đơn giản, nhưng thật ra làm món bánh này thiệt chẳng dễ.

Hỏi qua nhiều “chuyên gia” bánh flan, tôi mới biết để làm ra bánh flan đủ tiêu chuẩn như vậy thì người làm bánh phải có kinh nghiệm về tỉ lệ nguyên liệu sữa, trứng, đường, nước và phải có kỹ thuật khuấy trứng, rồi còn phải biết canh thời gian hấp bánh...


Với nhiều năm “trong nghề”, chủ quán luôn làm ra những bánh flan mềm mịn và đẹp mắt


Thêm cà phê và đá là có dĩa bánh với đủ các vị ngọt, béo, đắng, lạnh


Khi ăn, bạn nhớ múc cả phần dừa và bánh flan cho vào miệng. Phần nước cốt dừa béo béo cùng bánh flan mềm mềm và cà phê thơm thơm, tạo nên một vị ngon rất đặc biệt

Khi được hỏi đã có bao nhiêu năm gắn bó với bánh flan dừa, cô Mười chia sẻ: “Cô không nhớ bán từ khi nào, chỉ nhớ là lúc mở quán bán thì con gái cô chỉ mới học lớp 8, bây giờ thì cháu ngoại cô cũng 5 tuổi rồi”.


Cô Mười luôn tay lấy bánh cho khách

Mỗi ngày cô Mười bán được hơn 1.000 bánh, khách chủ yếu là học sinh sinh viên. Có lẽ vì vậy mà giờ tan trường, quán lúc nào cũng ồn ào tấp nập.

“Cho con 1 dĩa 6 cái”, “cho con 3 dĩa 4 cái”, “cho con 10 cái mang về”,… những thực khách cứ thay phiên nhau gọi rồi lăng xăng tự lấy ghế ngồi rồi lấy ghế làm bàn.


Với giá 2.500 đồng/cái, bánh flan dừa ở đây rất phù hợp với học sinh sinh viên và cả những người đi làm đang “chờ lương về”


Chỉ với một cái tủ nhỏ, một cây dù và khoảng 20 cái ghế nhựa mà mỗi ngày cô Mười bán được hơn 1000 bánh

Một điểm cộng của quán là chỗ để xe khá thoải mái. Quán cô Mười thì nằm trong con hẻm nhỏ. Những người bán quanh đó khá dễ chịu, bạn có thể đế xe trước quán này rồi qua quán kia ăn và ngược lại, chẳng sợ lấn chiếm lòng lề đường, cũng chẳng lo mất xe.


Quán “mở cửa” từ 11 giờ trưa đến 18 giờ chiều, thường đông vào giờ tan tầm - Ảnh: Phạm Như Quỳnh

Vì không thích ngồi chen chúc, tôi thường đến quán vào buổi trưa, vừa thoải mái nhâm nhi món bánh ngọt thơm vừa ngắm nhìn cảnh sinh hoạt của người dân trong chung cư, chốc chốc lại trò chuyện cùng bà chủ vui tính bộc trực. Chợt thấy yêu phong cách ẩm thực đường phố của Sài Gòn.

  * Mách nhỏ  :

Quán bánh flan dừa cô Mười nằm ở hẻm số 14, đường Trần Bình Trọng, Q.5. Bạn có thể đến quán bằng cách đi trên đường Trần Bình Trọng, hướng về đại lộ Đông Tây, rẻ vào hẻm cuối cùng bên tay trái, quán nằm ở cuối hẻm. Hoặc nếu biết chung cư Chợ Quán, bạn cứ vào đấy, hỏi bánh flan dừa cô Mười thì ai cũng biết.

Bánh khá nhỏ, bạn nên gọi 1 dĩa 4 cái là vừa ăn. Đừng gọi lắt nhắt nhiều lần, chủ quán vui tính nhưng cũng khó chịu khi khách đông. Khỏi lo không ăn hết, có những “cao thủ” ở quán còn có thể ăn một lần hơn 10 cái. Lớp dừa của bánh khá mềm, nếu bạn mua mang về rất dễ bị bể. Vì vậy, bạn nên ăn tại quán, sẽ ngon hơn.

 Phạm Như Quỳnh 


Nguồn: ihay.thanhnien.com.vn

Link: http://ihay.thanhnien.com.vn/pages/20130614/doc-dao-banh-flan-dua-co-muoi.aspx

Gà luộc chín thách thức "vua đầu bếp"

 KTĐT - Tối 14/6, 8 thí sinh đã trở lại căn bếp MasterChef để tiếp tục những màn thi tài nấu ăn đầy bất ngờ và cảm xúc trong tập 15 của Vua đầu bếp – MasterChef Vietnam. 

 Gà luộc tạo bất ngờ 

Với 45 phút để lấy nguyên liệu và chế biến, các thí sinh đã nghĩ ra những công thức nấu ăn ấn tượng để biến những phần gà luộc thô sơ thành những món ăn đậm đà và mang đầy cá tính của người đầu bếp.


Một trong những khó khăn lớn của thí sinh là làm sao xử lý mùi của phần gà đã được luộc chín (thường được bảo quản trong tủ lạnh), Nguyên Giáp chia sẻ "Gà ở trong tủ lạnh thường có mùi khó chịu nên tôi đã tẩy qua gừng và rượu, tôi còn dùng các loại rau có vị thơm để bỏ đi mùi tanh của gà".

Dù khá tự tin với món "Súp kem gà" khi bắt tay vào thực hiện tuy nhiên với thời gian 45 phút, cô Minh Thủy đã không đáp ứng được yêu cầu chất lượng của giám khảo khi phần xử lý bột chưa đạt. Thùy Dương cũng mắc sai lầm khi chế biến món "Gà xé phay" và không tạo được sự hấp dẫn cho người thưởng thức, đặc biệt khi đã có mặt trong top 8 nhưng món ăn của chị quá đơn giản, an toàn và chưa tạo sự đột phá, cô chính thức rơi vào top nguy hiểm cùng với Minh Thủy.

 Giám khảo muốn xin công thức nấu ăn của thí sinh
 

"Gà xào sả ớt, gừng", "Gà bí mật" - hai ý tưởng, hai sắc thái thể hiện khác nhau đã đưa cặp đôi song Hòa: Thanh Hòa và Thái Hòa vươn lên dẫn đầu trong thử thách Chiếc Hộp Bí Mật. Những tình cảm gửi gắm vào món ăn của Thanh Hòa đã được các giám khảo cảm nhận sâu sắc, Chef Tuấn Hải chia sẻ: "Tôi không cần nếm nhưng tôi biết chắc là nó ngon vì bạn đặt hết tâm tư tình cảm vào nó", trong khi đó giám khảo Tịnh Hải cũng dành tình cảm đặc biệt vì những hoài niệm khi thưởng thức món ăn này.

 Thanh Hòa và Thái Hòa vui mừng khi giành chiến thắng tại "Chiếc hộp bí mật". 

Nếu món ăn của Thanh Hòa giản dị, tình cảm thì Thái Hòa lại gây dấu ấn bằng sự đột phá sáng tạo đến độ giám khảo Tuấn Hải muốn "xin công thức" món "Gà bí mật" của chị. Lên ý tưởng độc đáo "bí mật nằm dưới lớp bánh mì xay nhuyễn", phần gà đút lò của chị khiến giám khảo vô cùng bất ngờ.

 Thí sinh "sợ" bào ngư, tổ yến, hoa atiso
 

Sử dụng đặc quyền của giám khảo, Thái Hòa được ưu tiên chọn nguyên liệu cho mình. Trong khi đó Thanh Hòa - thí sinh xuất sắc nhất ở thử thách trước được quyền chọn nguyên liệu cho mình và những người còn lại.


Nguyên Giáp khá bất ngờ khi được giao nguyên liệu atiso và chàng bác sĩ người Huế đã nghĩ ra ý tưởng decor cho món "Atiso sốt vi cá". Tuy nhiên khi bắt tay vào thực hiện, ngoài cách bố trí bừa bộn tại bếp, Nguyên Giáp còn bị giám khảo nhắc nhở về khâu làm sạch Atiso, Chef Tuấn Hải nhận xét: "Cách xử lý Atiso của em chưa sạch, em phải cắt hết phần nhụy của hoa chứ để như vậy nếu người ăn không biết, chỉ cần cạo nhẹ sẽ đi nguyên một lớp bông, rất khó ăn và nếu món ăn này xuất hiện một nhà hàng cao cấp, nó đã thất bại".

 Nguyên Giáp bị giám khảo nhắc nhở về cách sơ chế món ăn.  

Trong khi đó, hai món ăn gây ấn tượng mạnh với giám khảo ở phần thi này là "Pudding dừa chưng tổ yến nấu đường phèn" của Quốc Trí và "Chè yến chưng & thạch sữa, gừng trà xanh" của Thái Hòa. Khi thưởng thức món ăn của Trí, giám khảo Tịnh Hải đã thốt lên: "Thật sự mà nói món chè này lần đầu tiên tôi ăn nhưng lần đầu tiên tôi thấy sự trải nghiệm mới vì hương vị đọng lại: mùi táo, dừa làm mượt miếng yến, nước đường thanh. Tôi yêu món ăn này, bạn cho tôi thêm trải nghiệm để nấu yến".

 Minh Thủy và Kim Quyên rời cuộc đua "Vua đầu bếp". 


Dù đã cố gắng xoay xở và hoàn thành món Atiso hầm móng giò & trà atiso tuy nhiên phần nước lèo mặt, đục và vai trò của nguyên liệu chính là atiso lại quá mờ nhạt cũng như rất uổng phí khi không hề sử dụng phần lá atiso cho món ăn này nên kết quả lần thứ 2 rời vào top nguy hiểm đã khiến Minh Thủy phải nói lời chia tay với chương trình.

Trong khi đấy, khi chế biến món Súp bào ngư rau, Kim Quyên vẫn mơ hồ không biết món ăn này đã từng có trong sách nấu ăn không, chị cảm thấy căng thẳng với phần nguyên liệu này. Tuy nhiên sai sót trong việc phân bố nguyên liệu trong món ăn (rau quá nhiều) trong khi nước lèo quá nhạt, Kim Quyên cũng chính thức nói lời chia tay cuộc thi.


Nguồn: www.ktdt.com.vn

Link: http://www.ktdt.com.vn/news/detail/364326/ga-luoc-chin-thach-thuc-vua-dau-bep.aspx

Trứng chiên khổ qua cho cả nhà ngon cơm

 Nếu trứng chiên đã quá quen thuộc thì hôm nay bạn hãy thử biến tấu chút với món trứng chiên khổ qua và ớt này nhé! 

Cà rốt bào vỏ, cắt hạt lựu nhỏ. Khổ qua rửa sạch cắt lát mỏng. Ớt băm nhỏ, trứng đánh đều.




Thêm 1/4 muỗng cà phê muối vào khổ qua và ướp trong 10 phút rồi vắt kĩ để loại bỏ phần nước trong khổ qua.






Làm nóng chảo với chút dầu ăn, cho cà rốt vào xào.




Khi cà rốt bắt đầu mềm thì bạn lần lượt cho khổ qua và ớt vào chảo xào cùng.





Nêm chút muối hay hạt nêm để tạo độ đậm đà cho rau củ.




Cuối cùng bạn đổ trứng đã đánh đều vào và chiên đến khi trứng se mặt thì lật mặt còn lại chiên tiếp.




Trứng chín lấy ra đĩa, ăn nóng với cơm.



Nếu trứng chiên đã quá quen thuộc thì hôm nay bạn hãy thử biến tấu chút với món trứng chiên khổ qua và ớt này nhé! Vào những ngày hè, tiết trời có phần oi bức, dễ làm cho cơ thể bị nóng nhiệt, trong những lúc đó thì những loại rau củ quả đắng như khổ qua lại có phần phát huy tác dụng, vì nó giàu vitamin C và có tính thanh nhiệt, giải độc rất tốt, giúp bạn loại bỏ phần nào sự mệt mỏi. Thêm chút ớt đỏ vừa làm món ăn thêm đẹp mắt lại vừa giúp bạn ngon miệng hơn!


Chúc bạn ngon miệng nhé!


Món trứng chiên kim chi có vị chua chua lạ miệng rất ngon cơm!


Nguồn: afamily.vn

Link: http://afamily.vn/an-ngon/trung-chien-kho-qua-cho-ca-nha-ngon-com-20130615085130124.chn