Saturday, June 15, 2013

Chè khúc bạch không sạch

 Chè khúc bạch đã tạo nên cơn sốt mùa hè năm nay. Tuy nhiên, những thông tin mới nhất về "công nghệ chế biến gelatine siêu bẩn” – một trong những nguyên liệu chính của chè cũng đang làm người tiêu dùng hoang mang. 


Quanh các tuyến phố ở Hà Nội, có rất nhiều quán chè khúc bạch. Nhiều cửa hàng còn làm riêng biển thông báo ở ngoài với dòng chữ "có chè khúc bạch”.


Được biết, chè khúc bạch đã có từ khá lâu nhưng chỉ từ đầu năm nay mới thực sự được nhiều người biết đến, đặc biệt là tại Hà Nội. Ngoài tên gọi khúc bạch, chè còn có tên là đậu hũ hạnh nhân, xuất phát từ nguyên liệu làm chè thường được làm từ sữa tươi có màu trắng và được cắt thành từng khúc nhỏ.


Đối tượng chủ yếu ưa thích món chè này là giới học sinh, sinh viên và dân văn phòng. Cơ bản, chè khúc bạch thường được làm từ các nguyên liệu chính là gelatine, sữa tươi và dầu hạnh nhân. Vị của chè ngọt nặng hay nhẹ tùy vào người làm, thường được nấu từ đường tinh luyện, kết hợp mùi thơm của hạnh nhân cắt lát, dừa tươi... Ngoài ra, từ công thức cơ bản, các chủ quán bán hàng còn bắt đầu biến tấu tạo thêm nhiều hương vị chè khác nhau tùy theo yêu cầu của khách hàng như khúc bạch sầu riêng, khúc bạch dâu tây, khúc bạch mơ, khúc bạch caramel, khúc bạch tào phớ, trà xanh…


Lý do khiến chè khúc bạch trở thành cơn sốt (đặc biệt là với giới trẻ) là nhờ tác dụng giải nhiệt tốt, chè có vị giòn, thơm mát, rất hợp khẩu vị. So với các loại chè phổ thông khác, chè khúc bạch có giá cao hơn, dao động từ 15.000-30.000 đồng/bát tùy loại. Thêm vào đó, một phần nguyên nhân khiến khúc bạch trở nên nổi tiếng là nhờ hiệu ứng dây chuyền của tin đồn. Rất nhiều người do tò mò đã tìm tới món chè này khiến cơn sốt chè lan rộng.


Lưu ý dùng đá giải khát


Vừa qua, Đoàn kiểm tra của Sở Y tế Hà Nội đã tiến hành kiểm tra 2 cơ sở sản xuất đá viên tại huyện Từ Liêm và tạm đình chỉ hoạt động của xưởng đá viên Ngọc Hường (số 85, đường Trung Văn, xã Trung Văn, huyện Từ Liêm) do không đảm bảo các điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm. Được biết, trên địa bàn TP hiện có 69 cơ sở sản xuất đá viên đang hoạt động. Sở Y tế Hà Nội đã yêu cầu các quận, huyện tăng cường kiểm tra và xử lý dứt điểm đối với những cơ sở không đạt yêu cầu vệ sinh nhằm đảm bảo an toàn sức khỏe cho người dân.

Chị Thu Hương (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, nghe thông tin trên mạng và bạn bè truyền nhau nên chị cũng thử đi ăn một lần để thưởng thức. Dù sau đó, chị cho rằng, chè khúc bạch cũng không có quá nhiều điểm đặc biệt như tưởng tượng. Và cũng chính từ việc nắm bắt xu hướng nóng này, nhiều bạn trẻ đã nhanh nhạy tổ chức các nhóm nhận bán chè online và giao hàng tới tận tay người tiêu dùng.


Tuy nhiên, mới đây, một thông tin cực sốc là cơ quan chức năng Trung Quốc đã phát hiện công nghệ chế biến gelatin siêu bẩn. Gelatin là một chất rắn không màu, không vị, trong mờ, giòn (khi để khô), làm từ collagen lấy trong da lợn và xương gia súc. Nó thường được dùng làm chất làm đông trong thực phẩm, dược phẩm. Theo thông tin ghi nhận, loại gelatine công nghiệp này được làm từ da phế liệu. Da được ngâm trong nước vôi từ 3-4 giờ, cho vào máy làm sạch và tiếp tục ngâm trong nước từ 3-5 ngày sau đó vớt mang đi phơi. Thành phẩm được nấu thành gelatine.


Dù rằng, chưa ai rõ loại gelatin này có được chuyển về Việt Nam hay không và chè khúc bạch ở Việt Nam đang được chế biến như thế nào, nhưng tâm lý lo sợ đã bắt đầu lan rộng trong người tiêu dùng. Trên thực tế, tại các quán chè hiện nay, khó có tình trạng nhập gelatine chuẩn từ các quốc gia khác như Pháp, Mỹ do giá thành chắc chắn sẽ bị đẩy cao lên. Các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo, việc sử dụng quá nhiều chè khúc bạch làm tăng lượng đường vào cơ thể, có thể gây nhiều tác dụng không tốt cho sức khỏe, đặc biệt với người bệnh tiểu đường, mỡ máu, cao huyết áp, phụ nữ mang thai.

Vũ Phong

Nguồn: daidoanket.vn

Link: http://daidoanket.vn/index.aspx?chitiet=65753&menu=1372&style=1

No comments:

Post a Comment